21:43 17/01/2013

Sửa Hiến pháp qua góc nhìn Việt kiều

Nguyên Vũ

Nhiều ý kiến đều có chung đề nghị, Hiến pháp cần cô đọng và dễ hiểu

Đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: N.H.<br>
Đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: N.H.<br>
Chỉ dành cho đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, buổi góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 17/1 diễn ra trong hơn 2 giờ đồng hồ.

Đều nhấn mạnh ý thức trách nhiệm trước việc sửa đổi Hiến pháp - một công việc trọng đại của đất nước, song một số vị chỉ phản ánh tình hình của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như sự quan tâm của họ với đất nước, chứ không góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cho biết lần đầu tiên được tham dự hội nghị góp ý về Hiến pháp, song ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan nói rằng ông mới chỉ nhận được dự thảo từ sáng cùng ngày nên còn chưa kịp đọc hết, vì thế góp ý là việc “quá sức”.

Hơn nữa tài liệu để nghiên cứu góp ý mới đến Đại sứ quán chứ chưa đến tay kiều bào nên cũng chưa thể tổ chức lấy ý kiến cộng đồng người Việt tại Ba Lan, ông Thái nhìn nhận việc tổ chức như vậy chưa thật chặt chẽ. Bởi, theo nhận xét của ông thì nếu không phải là luật sư thì đọc để hiểu được Hiến pháp đã khó, để phát biểu chính kiến thì lại càng khó hơn.

Vậy nên ông “xin nói thật”, mong muốn Hiến pháp phải được thể hiện thật rõ ràng, minh bạch, cô đọng, dễ hiểu.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông Bùi Đình Dĩnh cũng đề nghị nghiên cứu làm sao thể hiện thật ngắn gọn dễ hiểu để dân nắm và thực hiện. “Ví dụ quy định ở điều 10, ai là tổ chức chính trị và tổ chức chính trị xã hội, ngay quan chức nhà nước còn "cãi" nhau”, ông Dĩnh phát biểu.

Với ông Tài Phương, đại diện cho Hội Người Việt Nam ở Mỹ thì đề nghị được đưa ra là Hiến pháp nên có thêm quy định nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước đầu tư phát triển xây dựng đất nước. Nhiều bà con tâm tư là về Việt Nam làm ăn khi khó khăn thì tìm ai, ông Phương phản ánh.

Hiến pháp cần ngắn gọn và có dấu ấn là quan điểm của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (đang định cư ở Canada). Nêu con số hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, song muốn tham gia hội đồng nhân dân cấp xã cũng không được, ông Bắc đề nghị bổ sung điều 19 nội dung: “Người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư trực tiếp ở Việt Nam theo quy định của pháp luật được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam”.

“Chúng tôi về Việt Nam đầu tư lâu dài 50 năm, 100 năm, chúng tôi rất muốn đóng góp xây dựng đất nước và cũng sẵn sàng bảo vệ đất nước, chúng tôi đang cần nghĩa vụ và quyền lợi với đất nước, nhưng trong Hiến pháp phần viết về người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn "bóng bẩy". Hiến pháp cần ngắn gọn và có dấu ấn”, ông Bắc nói.

Cho rằng Hiến pháp là khế ước giữa nhân dân và Nhà nước, TS. Nguyễn Trọng Bình (đang định cư tại Mỹ) cũng đề nghị “nếu được thì ban soạn thảo Hiến pháp chỉnh sửa cho gọn” để có thể 100 năm sau không cần sửa.

Ông Bình cũng phân vân về quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vì một số người hỏi về điều này thì “tôi cũng bí”.

Cũng góp ý về phần kinh tế, bà Phan Bích Thiện (đang làm việc tại Hungary) nhận xét quy định các thành phần kinh tế có vai trò quan trọng như nhau là bước tiến rất lớn tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cũng theo góp ý của bà Thiện thì Hiến pháp cần cụ thể hóa hơn nữa vai trò của mặt trận và nhất thiết phải trưng cầu ý dân chứ không nên để Quốc hội quyết định việc này như dự thảo.

Chuyên đề: Sửa Hiến pháp 1992