Rút ngắn một nửa thời gian chuẩn bị, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẵn sàng khởi công đồng loạt
Với hàng loạt cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép áp dụng cùng nỗ lực của toàn ngành và sự vào cuộc của các địa phương, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 rút ngắn 1/2 so với thông thường. Đến nay, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần sẵn sàng khởi công đồng loạt vào ngày 1/1/2023 tới đây...
Chiều ngày 28/12, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025.
BÀN GIAO 70% MẶT BẰNG, SẴN SÀNG KHỞI CÔNG
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), cho biết trên cơ sở các cơ chế đặc thù được Nghị quyết 18 của Chính phủ cho phép, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp rốt ráo tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hàng loạt công việc: lập khung chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư của 6 dự án thành phần; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của 12 dự án thành phần.
Cùng đó là các thủ tục: thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cho công trình hầm của 4 dự án thành phần; tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án…
“Các chủ đầu tư, tư vấn và cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải không quản ngày đêm, làm việc không có ngày nghỉ, ngày lễ, khắc phục các khó khăn địa hình hiểm trở, thời tiết mưa nhiều, nắng gắt để hoàn thành khối lượng rất lớn”, Phó Cục trưởng Lê Quyết Tiến chia sẻ.
Thông tin về 12 gói thầu khởi công trong năm 2022, ông Tiến cho biết chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán từ tháng 11; lựa chọn nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12.
Còn lại 13 gói thầu cũng đang được Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Quý Mão.
"Các địa phương xác định công tác giải phóng mặt bằng cho dự án là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2022-2023 và là mấu chốt thành công của dự án. Đến nay, các địa phương bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công", Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.
Sau khi nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng và triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất.
Nhân dân có đất bị thu hồi cũng nhận thức được tầm quan trọng của dự án nên đã ủng hộ, sớm nhận tiền bồi thường của dự án.
Đến ngày 1/1/2023, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần tại 12 vị trí trong đó có sự kết nối trực tuyến giữa các điểm cầu.
Trong đó, điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi. Hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.
ĐỘT PHÁ VỀ THỜI GIAN CHUẨN BỊ
Theo tính toán, thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng gần 1 năm, rút ngắn được nửa thời gian so với các dự án thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường. Tiến độ thực hiện đến nay đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Thông tin thêm về công tác chuẩn bị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, cho biết tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 ngày 11/1/2022 đến nay, trong vòng chưa đầy 1 năm, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trước đây thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thông thường, thời gian từ khi phê duyệt đến thời điểm khởi công thường mất tối thiểu là 2 năm.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, cũng nhấn mạnh đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hàng loạt cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép áp dụng cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cùng sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương có dự án đi qua cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua.
Do đó, một khối lượng công việc khổng lồ đã được giải quyết, rút ngắn 1/2 thời gian thực hiện thủ tục đầu tư so với dự án thông thường.
“Lần đầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công các dự án đồng loạt tại các điểm cầu trên các vùng, địa phương có dự án đi qua cũng sẽ tạo hiệu ứng để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành giao thông vận tải cùng thống nhất nhận thức, thống nhất hành động, đồng tâm hiệp lực thực hiện các phong trào thi đua trên khắp các công trường từ ngày đầu tháng đầu của năm mới Quý Mão”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm trước khi khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, vào ngày 31/12 tới đây, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng sẽ được thông xe, đưa vào khai thác.
Với 3 dự án cao tốc còn lại, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của nhà thầu, tư vấn giám sát, các ban quản lý dự án, đến ngày 31/12 cũng sẽ cơ bản đáp ứng điều kiện thông xe kỹ thuật, tiến tới hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vào ngày 30/4/2023.
DỰ KIẾN TUYẾN HẬU GIANG - CÀ MAU SẼ DÙNG CÁT BIỂN ĐẮP ĐƯỜNG
Trả lời vướng mắc về nguồn cung vật liệu, đặc biệt cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), cho biết thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn cát và cả những địa phương không có nguồn vật liệu.
Tại các buổi làm việc với các địa phương, Bộ Tài nguyên & Môi trường yêu cầu các địa phương có nguồn cát làm thủ tục triển khai các mỏ mới, giao các tỉnh theo thứ tự ưu tiên dự án nào cần trước thì cấp trước để phân bổ nguồn cát đảm bảo tiến độ thi công các dự án.
“Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ triển khai sử dụng cát biển đắp đường với đoạn tuyến Hậu Giang-Cà Mau. Dự kiến, đến cuối năm 2023 mới có thể có đánh giá về việc sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường. Hiện thi công cao tốc vẫn sử dụng cát sông”, ông Nguyễn Tiến Minh cho biết.
Song song với việc nghiên cứu khoanh vùng khu vực khoáng sản của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Giao thông vận tải chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu cùng các Ban quản lý dự án về việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp đường.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, về cơ bản cát biển đáp ứng yêu cầu về thành phần hạt để đắp nền đường. Hiện tư vấn đang đánh giá việc ảnh hưởng của nhiễm mặn với môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường.
Sau khi thử nghiệm sẽ có đánh giá để khoanh vùng cấp mỏ khai thác cát biển đưa vào sử dụng đắp đường.
Khắc phục những hạn chế về vật liệu trong thi công dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho nhà thầu được khai thác mỏ.
“Hiện nay, vật liệu để xây dựng cao tốc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cơ bản được đáp ứng. Đặc biệt, vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về tiến độ triển khai thi công dự án”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Bên cạnh đó, đến nay, các Ban Quản lý dự án đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, lựa chọn nhà thầu có năng lực đáp ứng yêu cầu của dự án.