Sau màn chào sàn Nasdaq rực sỡ, CEO VinFast tiết lộ về kế hoạch giao nhiều xe hơn cho khách hàng tại Mỹ
Ngay sau màn chào sàn Nasdaq ấn tượng tại Mỹ, sáng nay, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy đã có cuộc gặp gỡ, chia sẻ với báo chí về sự kiện này.
Trả lời câu hỏi của VnEconomy về sự kiện niêm yết này mang lại cho Vingroup lợi ích gì về doanh số bán xe tại Mỹ, hay nói cách khác, mục tiêu thị trường Mỹ của Vingroup ngoài huy động vốn, sẽ bán được bao nhiêu xe trong những năm tới? Bà Thủy không đề cập đến con số chi tiết, song CEO VinFast toàn cầu cho biết, hiện tại số lượng VinFast bán còn khiêm tốn, đang chờ đợt cập nhật phần mềm sau đó sẽ giao nhiều xe hơn.
VinFast cũng đã nghe nhiều phản hồi từ thị trường về xe để làm tốt hơn, như trước đây tại Việt Nam. Có nhiều khách hàng tâm huyết, chấp nhận lỗi ban đầu, phản hồi để VinFast làm tốt hơn. Khách hàng tại Mỹ cũng cho nhiều phản hồi.
"Chúng tôi tự tin về tiềm năng của VinFast tại thị trường Mỹ. Đầu tiên do thị trường rất lớn, cả thị trường đang chuyển từ xăng sang điện. Đó là tình hình chung. Yếu tố vĩ mô giúp chúng ta có thị trường lớn, không phải tranh giành thị trường đang có. Hai là nội tại quan trọng, thời gian qua đã tìm hiểu thị trường, khách hàng, đại lý, công ty cho thuê xe, đối tác… thì thấy sự đón nhận của họ với VinFast rất tốt. Tất nhiên là mình cần làm tốt hơn. Họ sẵn sàng mở đại lý. Nếu VinFast thực hiện những gì mình hứa và những gì vẫn làm tốt như đã làm thì thị trường sẽ tiềm năng cho VinFast", bà Thủy nhấn mạnh.
Về chiến lược kinh doanh của VinFast trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục sử dụng thị trường Việt Nam làm nền tảng để phát triển. Còn với việc “go global”, công ty chọn Mỹ là nơi xuất phát. Ngoài ra công ty đang tìm cách để đưa sản phẩm sang Châu Âu, ASEAN và Trung Đông. Bà Thủy cho biết chặng đường tới là không dễ dàng. VinFast đặt ra mục tiêu cuối năm 2024 sẽ hòa vốn. Kế hoạch này vẫn đang diễn ra đúng lộ trình.
Về việc làm xe điện, công ty đã phải đi học tại các công ty lớn nhất trong ngành để mang về Việt Nam sản xuất. VinFast là công ty đầu tiên trên thế giới tuyên bố bỏ xe xăng để sản xuất xe điện.
Bà Lê Thị Thu Thủy đánh giá nhu cầu xe điện trên thế giới hiện đang ở mức cao, trong tương lai còn cao hơn nữa. Nhiều Chính phủ đang đặt ra nhiều mức thuế và phí cho việc phát thải cao. Cuối năm nay công ty cũng sẽ cho ra mắt những mẫu xe có tay lái nghịch để có thể phù hợp với nhiều thị trường hơn.
Liên quan đến mức giá cổ phiếu, CEO VinFast cũng lý giải về nguyên nhân giá VFS tăng mạnh trên sàn Nasdaq chủ yếu do thanh khoản thấp, khối lượng cổ phiếu giao dịch rất khiêm tốn, trong khi nhu cầu lại cao.
Trên thực tế, lượng lớn cổ phiếu do ông Phạm Nhật Vượng và cổ đông nội bộ nắm giữ không giao dịch, theo đó, lượng chuyển nhượng cổ phiếu trong phiên đầu tiên tại VFS là do các nhà đầu tư mua đi bán lại nhiều lần. "Ngoài nhu cầu thị trường lớn thì nguyên nhân số lượng lưu hành ít nên đã đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh như vậy", bà Thủy cho hay. Theo bà, diễn biến này cũng đã "đập tan" những mối hoài nghi đối với mức định giá VinFast đưa ra lúc ban đầu.
Bà Thủy cũng chia sẻ rằng một số người cho rằng việc VinFast niêm yết trên thị trường Mỹ chỉ là một cách marketing thương hiệu. Tuy nhiên, theo bà, không phải cứ có công ty là có thể niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và nếu chỉ để marketing thì có nhiều cách chứ không cần thiết phải đi theo cách tốn kém như vậy.
Như VnEconomy đưa tin, ngày 15/8/2023, cổ phiếu VFS và chứng quyền VFSWW của VinFast Auto Ltd. đã chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market (“Nasdaq”). Sự kiện đánh dấu mốc lịch sử khi một doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết thành công trên thị trường vốn lớn nhất thế giới.
Về diễn biến cổ phiếu, mở đầu phiên VFS tăng mạnh sau đó có đôi lúc giảm nhẹ trong phiên tuy nhiên xu hướng chính vẫn là tăng giá. Kết phiên giao dịch, VFS đóng cửa ở mức 37,06 USD/cổ phiếu tương ứng tăng giá 68,45%.
Trong bản công bố thông tin, sau khi sáp nhập với Black Spade, tổng lượng cổ phiếu lưu hành của VinFast Auto là hơn 2,307 tỷ cổ phiếu. Trong đó, Vingroup sở hữu 51,36% , hai công ty đầu tư thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) sở hữu 33,37% và Asian Star Trading & Investments Pte. Ltd sở hữu gần 15%. Còn lại một phần nhỏ thuộc về các cổ đông khác.
Với mức giá đóng cửa 37,06 USD/cổ phiếu, vốn hóa của VinFast chính thức vượt 85 tỷ USD, vượt Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng. Đây cũng là doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại.
Chỉ tính trực tiếp qua VIG và Asian Star Trading & Investments Pte. Ltd, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 41,1 tỷ USD.
Vingroup hiện nắm giữ hơn 51% cổ phần VinFast. Nếu tính theo tỷ lệ này, tập đoàn của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản hơn 43 tỷ USD tại Vinfast.
Hiện, ông Vượng cũng đang sở hữu 18,1% vốn điều lệ của Vingroup. Theo số liệu từ Bloomberg, giá trị tài sản của ông Vượng là 44,3 tỷ USD. Ông Vượng chính thức vượt lên top 30 người giàu nhất hành tinh.