10:35 06/06/2014

"Sở hữu hỗn hợp sao gọi là doanh nghiệp Nhà nước"

Ngô Trang

Quốc hội thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, dự thảo luật đã “quên” một điều, đó là nói về vai trò
 của Quốc hội, dù có đề cập nhưng quá mờ nhạt, chung chung.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, dự thảo luật đã “quên” một điều, đó là nói về vai trò của Quốc hội, dù có đề cập nhưng quá mờ nhạt, chung chung.
“Hiện nay có đến 1 triệu 300 ngàn tỷ vốn nhà nước đang được dùng để kinh doanh, chưa kể đất đai nhưng quy định trong dự thảo luật về vai trò của Quốc hội lại quá chung chung, mờ nhạt”.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) nhận xét như vậy tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chiều 5/6.

Theo đại biểu Lịch, về đầu tư của nhà nước thông thường sẽ có hai cách đầu tư. Một là lập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Hai là góp vốn, mua cổ phần tham gia vào doanh nghiệp khác, kể cả đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, theo cách gọi của chúng ta hiện nay, hiểu thế nào là doanh nghiệp nhà nước cũng đang cần được làm rõ. Doanh nghiệp sở hữu nhà nước tiếng Anh gọi là SOI, hay doanh nghiệp mang tính chất nhà nước. Nếu doanh nghiệp là sở hữu nhà nước thì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sở hữu là đúng, nhưng nếu nhà nước sở hữu 51%, còn 49% là cổ đông khác, sở hữu hỗn hợp thì sao gọi là nhà nước.

Đáng chú ý, theo đại biểu này, hiện nay Hiến pháp chế định công dân có quyền kinh doanh cái gì luật không cấm, nhưng nhà nước chỉ có quyền kinh doanh cái gì luật cho phép.
 
“Tôi đề nghị ở đây chúng ta cần quan điểm rõ là nhà nước kinh doanh cái gì mà thị trường không làm, nhà nước bỏ khuyết thị trường, không cạnh tranh, không làm thay thị trường. Nhà nước đầu tư mở đường nhưng khi thị trường làm được thì nhà nước rút vốn làm cái khác, tôi muốn nói đây phải chế định một vấn đề là vốn nhà nước là vốn động chứ không tĩnh, nay tôi làm cái này nhưng khi thị trường làm được tôi lấy tiền tôi làm chuyện khác để kinh tế phát triển chứ không phải ném vào đâu thì chết đó, cái này là chỗ phải chế định, chỗ này tôi cho rằng thiếu”, đại biểu Lịch nói.

Ông cũng cho rằng, dự thảo luật đã “quên” một điều, đó là nói về vai trò của Quốc hội, dù có đề cập nhưng quá mờ nhạt, chung chung.

Theo đại biểu, Quốc hội phải nắm toàn bộ, hiện nay 1 triệu 300 ngàn tỷ vốn nhà nước đang kinh doanh, chưa kể đất đai, kinh doanh thế nào, bỏ vào đâu, hàng năm báo cáo Quốc hội một cách rạch ròi, Quốc hội quyết định lấy vốn chỗ nào, đầu tư chỗ nào, định hướng như một chương trình nằm trong hoạt động của Quốc hội.

“Chúng ta không giám sát theo kiểu như Điều 56 được. Luật này tôi thấy dường như Quốc hội đứng bên ngoài hoạt động rất lớn của đất nước”, ông Lịch phát biểu.

Liên quan đến phạm vi đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), cho rằng, thực tế hiện nay phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp khá dàn trải, không có định hướng chiến lược rõ ràng và chưa được luật hóa cụ thể phạm vi lĩnh vực đầu tư, điều này dẫn đến thực trạng đầu tư tràn lan, gây lãng phí tài sản của nhà nước,

Thế nhưng, theo dự thảo luật, phạm vi đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vẫn thực sự chưa rõ ràng, mặc dù đã liệt kê được tương đối cụ thể các lĩnh vực đầu tư, nhưng phạm vi vẫn quá rộng, khó xác định được giới hạn các danh mục, nghề nào cần đầu tư lớn tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nên kinh tế và ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Thực tế nhà nước chỉ cần đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực độc quyền sẽ được quy định chi tiết tại nghị định mà không cần thiết đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Bởi vì lĩnh vực công nghệ cao hiện tại đã và đang được khối tư nhân, khối ngoại đầu tư và hoạt động tương đối hiệu quả”, đại biểu Đồng kiến nghị.

Về trách nhiệm đối với  các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị bổ sung vào dự luật quy định “doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận của vốn chủ sở hữu nhà nước trong kỳ báo cáo ít nhất bằng lãi suất bình quân trái phiếu Chính phủ ở thị trường trong nước trong cùng thời kỳ".

Trong khi  đó, theo đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), dự Luật chưa tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và chức năng quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đại biểu kiến nghị cần thành lập một cơ quan ngang bộ để quản lý vốn này thì sẽ tách bạch được hai chức năng trên. Theo đó, cơ quan này sẽ quản lý nhân sự và quản lý tài chính, đưa ra khuôn khổ hoạt động an toàn cho vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh và doanh nghiệp.