12:00 24/09/2024

So sánh sản lượng và tiêu thụ vàng nội địa tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia

Đức Anh

Với ngành công nghiệp trang sức khổng lồ, tiêu thụ vàng của Ấn Độ cao gấp hơn 50 lần so với sản lượng. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ tự cung ứng được hơn 30% nhu cầu vàng nội địa...

Đồ thị thông tin dưới đây so sánh chênh lệch giữa mức sản lượng và tiêu thụ vàng trong nước tại một số nền kinh tế trên thế giới, dựa trên dữ liệu năm 2023 từ The Gold Bullion Company và Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Dù Ấn Độ và Trung Quốc đều dẫn đầu thế giới về nhu cầu tiêu thụ vàng, hai quốc gia này có sự chênh lệch đáng kể về sản lượng vàng trong nước.

Với ngành công nghiệp trang sức khổng lồ, tiêu thụ vàng của Ấn Độ cao gấp hơn 50 lần so với sản lượng. Trong khi đó, Trung Quốc tự cung ứng được hơn 30% nhu cầu vàng nội địa.

So sánh sản lượng và tiêu thụ vàng nội địa tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia - Ảnh 1

Trong văn hóa Ấn Độ, vàng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Kim loại quý này được xem là một kênh lưu trữ giá trị, một biểu tượng của sự giàu sang và địa vị cũng như một phần không thể thiếu trong nhiều nghi thức tôn giáo. Với dân số hơn 1 tỷ người, Ấn Độ đứng đầu thế giới về nhu cầu vàng, đặc biệt là trang sức và thỏi vàng.

Đứng thứ hai là Trung Quốc với nhu cầu mua vàng chủ yếu để lưu trữ giá trị, trong đó tiêu thụ nhiều nhất là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Cơ quan này, cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, mua vàng như một công cụ chống lạm phát và mất giá tiền tệ. Từ năm 2022, PBOC tăng thêm 316 tấn vàng dự trữ.

Đứng thứ ba về nhu cầu vàng là Mỹ với 249 tấn năm 2023, cao gần gấp rưỡi so với sản lượng nội địa (167 tấn). Theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với sản lượng khai thác vàng năm 2023 là 37 tấn, thấp hơn khoảng 5 lần so với nhu cầu 202 tấn.