07:28 06/09/2022

Sự cố lợn chết sau khi tiêm vaccine là bài học sâu sắc

Chu Khôi

Việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi không theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời không tuân thủ quy trình tiêm, dẫn tới khi xảy ra sự cố các đơn vị không thống kê hết được thiệt hại…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo.

Chiều 5/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thường kỳ, trong đó “điểm nóng” là sự cố lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Lãnh đạo Bộ khẳng định, Công ty Navetco và một số địa phương đã thực hiện không đúng chỉ đạo…

KHÔNG TUÂN THỦ QUY ĐỊNH, QUY TRÌNH KHIẾN LỢN CHẾT HÀNG LOẠT

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết sau khi vaccine dịch tả lợn châu Phi được cấp phép lưu hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép triển khai tiêm 600 nghìn liều vaccine tại 20 tỉnh, thành phố. Việc tiêm vaccine được yêu cầu phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, bất kỳ hộ chăn nuôi nào có nhu cầu tiêm vaccine cho lợn cũng đều phải đăng ký và viết cam kết theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Trước khi tiêm, cơ quan thú y cần xuống kiểm tra thực tế đặc điểm đàn lợn, tình hình dịch tễ. Khi tiêm phải có sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan thú y cơ sở và cán bộ của Công ty Navetco. Sau khi tiêm, các cơ sở phải theo dõi lâm sàng liên tục tối thiểu 28 ngày.

 

"Trong mấy ngày nghỉ lễ, Cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra và thống kê tại 3 tỉnh có tổng cộng 17.500 liều vaccine tiêm không tuân thủ theo chỉ đạo khiến 1.392 con lợn chết”.

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y.

Lý giải nguyên nhân xảy ra “sự cố” lợn chết trong thời gian vừa qua, ông Long cho rằng sai sót ở chỗ việc triển khai tiêm vaccine của Công ty Navetco và một số địa phương đã thực hiện không đúng chỉ đạo của Cục Thú y. Công ty Navetco đã cung ứng vaccine cho Chi cục Thú y Bình Định, sau đó chi cục này lại để trạm thú y bán trực tiếp cho đại lý thú y rồi bán tự do cho người dân.

“Việc này không theo đúng chỉ đạo của Bộ, đồng thời không tuân thủ quy trình tiêm dẫn đến người dân mang vaccine về tiêm cho tất cả loại lợn. Công ty Navetco và địa phương không kiểm soát được số lượng bán ra dẫn tới khi xảy ra sự cố các đơn vị không thống kê hết được thiệt hại", ông  Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, quy trình khảo nghiệm, nghiên cứu, cấp phép vaccine dịch tả lợn châu Phi rất chặt chẽ, đáp ứng các quy định, và được các nhà khoa học trong và ngoài nước thẩm định kỹ càng.

“Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu lãnh đạo công ty Navetco kiểm điểm, rút kinh nghiệm, và hỗ trợ người dân khắc phục sự cố, đồng thời yêu cầu địa phương kiểm điểm các tập thể, cá nhân cung ứng, giám sát việc tiêm vaccine không đúng quy định. Sau sự cố này, Bộ chỉ đạo các địa phương cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình tiêm do bộ đưa ra, xem đây là bài học sâu sắc trong việc triển khai”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

NÔNG DÂN NGÀY CÀNG THUA THIỆT VÌ GIÁ XĂNG DẦU TĂNG CAO

Tại buổi họp báo, vấn đề cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm là giá xăng dầu tăng cao khiến nông dân trồng lúa điêu đứng vì không thể thuê được máy gặt, tàu ghe chở lúa gạo ngừng hoạt động. Giá thành sản xuất lúa gạo tăng rất cao, trong khi giá gạo xuất khẩu giảm.

Liên quan đến về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết bình quân một chiếc máy gặt đập liên hợp gặt 1 ha lúa thì cần tới 35 lít dầu, mỗi ngày gặt 4 ha thì cần 150 lít dầu. Giá xăng dầu tăng cao từ đầu năm đến nay đã khiến chi phí gặt lúa tăng 25% so với năm ngoái. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, mà nhiều nơi các chủ máy gặt không thể mua được dầu do nhiều cửa hàng xăng dầu ở miền Tây hạn chế bán hàng.

Với những máy gặt đập liên hợp đã quen với các cửa hàng xăng, dầu thì có thể mua được một ít dầu để chạy, còn nếu mua ở những "cây xăng" không quen biết thì chủ cửa hàng thường lấy lý do hết hàng không bán, hoặc có bán cũng chỉ cầm chừng mỗi lần chục lít. Nhiều ghe chở lúa đang chạy thì hết nhiên liệu, phải nằm yên một chỗ vì khó mua được dầu.

"Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hoạch lúa của bà con nông dân, lúa chín quá không kịp thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng, thất thoát sản lượng sẽ rất lớn", ông Cường cảnh báo.

Thông tin về tình hình sản xuất lúa gạo, ông Cường cho biết đến thời điểm này vẫn đảm bảo kế hoạch gieo trồng hơn 7,2 triệu ha lúa. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng năng suất thu hoạch bình quân đạt 63,3 tạ/ha, tổng sản lượng thu hoạch cả năm dự kiến trên 43 triệu tấn thóc.

Trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng hơn 8%  so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tăng trưởng kim ngạch là nhờ tăng khối lượng xuất khẩu, trong khi giá xuất khẩu gạo giảm, bình quân khoảng 487 USD/tấn. Với khả năng xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo thì giá trị xuất khẩu gạo cả năm vẫn đạt 3,2 - 3,3 tỷ USD.

Chia sẻ thêm, ông Cường cho hay giá xăng dầu cao đang khiến giá thành sản xuất lúa tăng lên rất cao, thế nhưng giá gạo xuất khẩu lại đang giảm, khiến nông dân trồng lúa vốn đã yếu thế thì nay lại càng thua thiệt hơn.

 

 "Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường về giá và luôn thực hiện trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề an ninh lương thực”.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Liên quan đến việc Chính phủ Thái Lan thông báo, nước này và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận nhằm tăng giá gạo sản xuất trong nước trên thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nông dân phải chịu chi phí tăng cao trong sản xuất lúa gạo, ông cho biết Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do nên tuân thủ đúng theo quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on thông tin trên báo chí Thái Lan rằng lần đầu tiên Thái Lan và Việt Nam đồng ý sẽ hợp tác để nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Chalermchai Sri-on, trong khi nông dân trồng lúa bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất tăng cao trước các diễn biến phức tạp gần đây, như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine…, thì giá gạo trên thị trường toàn cầu lại tăng không tương xứng. Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng khẳng định, thúc đẩy giá gạo xuất khẩu ở mức công bằng hơn là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các quốc gia xuất khẩu.

Về giải pháp lâu dài để tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa, ông Cường khẳng định:  “Từ nay đến năm 2030, Việt Nam giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,9 triệu ha xuống còn 3,5 triệu ha, chuyển đổi linh hoạt diện tích đất trồng lúa sang cây trồng có giá trị cao hơn, kết hợp trồng lúa với nuôi thả thủy sản để cho giá trị cao hơn trên diện tích đất nông nghiệp”.