09:33 30/11/2007

Sự thật về mũ bảo hiểm

Xuân Thái

Có tới 75% số mũ bảo hiểm trên thị trường được kiểm tra không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng

Thị trường mũ bảo hiểm mới bắt đầu nhộn nhịp kể từ khoảng 4-5 tháng trở lại đây.
Thị trường mũ bảo hiểm mới bắt đầu nhộn nhịp kể từ khoảng 4-5 tháng trở lại đây.
Thị trường mũ bảo hiểm mới bắt đầu nhộn nhịp kể từ khoảng 4-5 tháng trở lại đây, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Nhưng cũng chính từ thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng và cung ứng mũ bảo hiểm diễn ra khá phức tạp.

Từ ngày 22/8 đến 4/10/2007, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Tp.HCM và Chi cục Tổng cục đo lường chất lượng đã phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Công nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng hàng hoá miền Nam, Phòng Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn Tp.HCM.

Theo kết quả kiểm tra, trong số 50 đơn vị được kiểm tra (29 đơn vị sản xuất và 21 đơn vị kinh doanh), số mẫu lấy thử nghiệm 34, đạt yêu cầu 8 mẫu, không đạt 25 mẫu, 1 mẫu chưa có kết quả, chiếm tỷ lệ 24,2%; không đạt 75,8%.

Về hoạt động sản xuất tại thời điểm thanh tra, chỉ có 29/39 đơn vị sản xuất hiện còn đang hoạt động, 10/39 đơn vị không còn hoạt động hoặc tạm ngưng, do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá nguyên vật liệu cao, thời hạn bắt buộc đội mũ bảo hiểm cận kề trong khi mẫu mã lỗi thời, không có nhiều lựa chọn nên không thu hút người tiêu dùng.

Về hoạt động kinh doanh, do gần đến thời điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm nên xuất hiện rất nhiều các cửa hàng mua bán nhỏ lẻ mũ bảo hiểm từ khắp các quận, huyện, tập trung nhiều nhất vẫn là ở các chợ đầu mối như Bình Tây, Kim Biên... Các đơn vị phân phối phần lớn đều thiếu các thông tin về các quy định của Nhà nước nên nhiều nơi vi phạm như kinh doanh hàng hóa chưa công bố phù hợp tiêu chuẩn, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác...

Theo đánh giá kết quả thử nghiệm của Chi cục Tổng cục Đo lường chất lượng Tp.HCM đối với nhóm sản phẩm mũ bảo hiểm trong đợt kiểm tra vừa qua, thì tỷ lệ mẫu đạt chất lượng theo TCVN 5756:2001 là rất thấp, chỉ chiếm 24,2%, trong khi mẫu không đạt chiếm đến 75,8%. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu về an toàn, như: quai đeo, đâm xuyên, độ bền va đập và độ hấp thu xung động... Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại về chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường hiện nay.

Có thể kể đến một số nguyên nhân mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Trước hết, một số đơn vị vì lợi nhuận đã sử dụng nguồn nguyên vật liệu thay thế không đảm bảo chất lượng, như: sử dụng nhựa ABS tái sinh, ABS dẻo không đúng chủng loại, pha trộn một số loại nhựa khác nhau với ABS làm giảm giá thành sản phẩm...

Tuy nhiên, một vấn đề đang quan tâm là trong quá trình thanh kiểm tra, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện một số đơn vị kinh doanh bảo hiểm đã ký hợp đồng gia công với các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm để làm quà khuyến mãi hay quà tặng, chỉ với đơn giá từ 40.000-50.000 đồng/cái. Đoàn thanh tra đã tiến hành thử nghiệm, kết quả cho thấy hầu hết mũ bảo hiểm "quà khuyến mãi" này đều không đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn, không có tác dụng bảo vệ người đi xe máy tham gia giao thông.

Theo ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Tổng cục Đo lường chất lượng Tp.HCM, thì cần có một số giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa mũ bảo hiểm trên thị trường hiện nay.

Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, cần tăng cường giám sát kế hoạch kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm theo Quyết định 04/2006/QĐ- BKHCN: chỉ dán dấu CS để xuất xưởng và tiêu thụ khi có kết quả thử nghiệm đạt TCVN 5756:2001; đồng thời phải chịu trách nhiệm về chất lượng mũ bảo hiểm đã cung cấp cho thị trường người tiêu dùng theo đúng luật định. Hàng hóa chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định, không được lưu thông trên thị trường.

Song song đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh chỉ kinh doanh những sản phẩm có đầy đủ hồ sơ công bố tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có nhãn hàng đầy đủ... theo quy định và được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Được biết, đoàn thanh tra đã kiến nghị với UBND Tp.HCM và các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý đối với các sản phẩm hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa công bố chất lượng phù hợp... do thời điểm áp dụng bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã cận kề.