Tài sản lớn nhất nhưng hiệu suất của quỹ Đài Loan Fubon thua xa các ETF khác trong nửa đầu năm 2023
Fubon FTSE Vietnam ETF với tổng tài sản 862 triệu USD tương đương 20.400 tỷ đồng tuy đạt hiệu suất 12,3% nhưng vẫn kém xa các quỹ khác trong 6 tháng đầu năm 2023...
Số liệu thống kê từ SSI Research cho thấy, trong tháng 6, Fubon FTSE Vietnam ETF trở thành quỹ có hiệu suất tốt nhất với mức tăng trưởng vượt trội 7,1% bỏ xa mức tăng trưởng 4,2% của Vn-Index. Đứng ngay sau là SSIAM VNFIN LEAD với mức tăng trưởng 7,0%; thứ ba là VanEck Vectors Vietnam với mức tăng 6,3%.
Tiếp theo là VanEck Vectors Vietnam với tăng 6,3%; KIM VN30 ETF và VFM VNDiamond tăng trưởng 6%; SSIAM VNX50 tăng 5,9%; VFM VN30 ETF và Mirae Assets VN30 ETF tăng 5,8%; SSIAM VN30 tăng 5,7%...
Hiệu suất thấp nhất là Asian Growth CUBS ETF 1,6%.
Tuy nhiên lũy kế từ đầu năm, SSIAM VNFIN LEAD mới là quỹ có hiệu suất tốt nhất 23,6% vượt xa mức tăng trưởng hơn 11% của Vn-Index. Đứng thứ hai là KIM Kindex Vietnam VN30 tăng trưởng 15,9%; thứ ba là VanEck Vectors Vietnam tăng 13,3%; SSIAM VNX50 tăng 12,7%.
Fubon FTSE Vietnam ETF với tổng tài sản 862 triệu USD tương đương 20.400 tỷ đồng hiệu suất 12,3% kém xa các quỹ trên trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, Asian Growth CUBS ETF hiệu suất âm 1,0%.
Cũng theo thống kê từ SSI Research, dòng tiền ETF đảo chiều nhẹ với việc yếu tố tích cực lan tỏa đến từ cả nhóm ETF nội và ngoại. Theo đó, dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam đảo chiều vào ròng nhẹ 257 tỷ đồng trong tháng 6 và đưa tổng tiền giải ngân trong nửa đầu năm lên đến 5,84 nghìn tỷ đồng.
Nhóm quỹ ETF nội đã thu hẹp tốc độ rút ròng xuống chỉ còn 95,4 tỷ đồng trong tháng 6 nhờ sự đóng góp từ VNDiamond và VN Finlead. Trong khi VNDiamond thu hút được 155,5 tỷ đồng từ thị trường chứng khoán Thái Lan (chủ yếu trong 2 tuần giữa tháng 6), dòng tiền giải ngân vào VNFinlead đều đặn hơn (vào ròng 32,5 tỷ đồng) nhờ tỷ suất lợi nhuận vượt trội mà chỉ số này đem lại.
Ngược lại, dòng tiền vẫn rút ròng khá lớn ở các ETF mô phỏng chỉ số VN30 như VFM VN30 (-275 tỷ) hay KIM VN30 (-7,3 tỷ) và MAFM VN30 (-3,8 tỷ).
Đối với nhóm ETF ngoại, rút ròng được ghi nhận ở Fubon ETF (-23 tỷ đồng) - lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021, một phần do diễn biến không vượt trội trên thị trường Đài Loan. Ngược lại, dòng tiền vào ròng khá mạnh ở Vaneck (279 tỷ đồng) hay FTSE Vietnam (170,7 tỷ).
Theo SSI Research, xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân đối với các ETF này và trong quá khứ, dòng tiền sẽ chỉ vào mạnh khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt. Nếu so sánh bối cảnh trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản, VN-Index đang có mức tăng trưởng không quá hấp dẫn tính đến hiện tại, nên việc hút thêm dòng vốn ngoại mới vào thị trường ETF là tương đối thách thức.
Đối với các quỹ chủ động, giao dịch thận trọng nhưng tín hiệu đang nghiêng nhiều về dòng tiền đang chờ giải ngân hơn là rút ròng ra khỏi thị trường. Dòng vốn từ các quỹ chủ động giao dịch thận trọng xuyên suốt tháng 6, đảo chiều rút ròng nhẹ 33,6 tỷ đồng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã vào ròng 3,56 nghìn tỷ đồng, tập trung vào 2 tháng
đầu năm.
Cường độ rút ròng thận trọng hơn so với các quỹ ETF, cho thấy các quỹ chủ động vẫn đang có cái nhìn tích cực và duy trì tỷ trọng nhất định đối với thị trường Việt Nam.
Khối ngoại thu hẹp bán ròng 389 tỷ đồng trong tháng 6 và tính chung trong 6 tháng, khối ngoại duy trì mua ròng 1.687 tỷ đồng (3,2 nghìn tỷ nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến). Việc mua ròng trong tháng 6 tập trung chủ yếu trong 2 tuần giữa tháng, trong đó đóng góp đáng kể từ nhịp mua từ nhóm quỹ VNDiamond ETF trong khi yếu tố mùa vụ đã phần nào tác động tới giao dịch khối ngoại trong tuần cuối cùng của tháng 6. Tỷ trọng giao dịch khối ngoại có sự cải thiện nhẹ trong tháng 6 (lên 6,8%, từ mức 6,5% giá trị giao dịch trên thị trường).
SSI Research duy trì thận trọng đối với dòng vốn từ các quỹ chủ động. Về mặt tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang ở giai đoạn chuyển giao và phần lớn khó khăn của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022 cũng đã được thị trường chứng khoán phản ánh sớm là yếu tố tích cực cho dòng tiền.
Ngược lại, sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ có thể tạo ra áp lực rút ròng từ các quỹ, đặc biệt trong trường hợp tỷ giá có những biến động mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện không quá đa dạng để giúp dòng vốn có thể tìm đến như lựa chọn hàng đầu trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.