09:26 30/10/2024

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động

Phúc Minh

Chính phủ sẽ tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động, gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Công ty Than Thống Nhất - TKV, tháng 10/2024. Ảnh: MOLISA.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Công ty Than Thống Nhất - TKV, tháng 10/2024. Ảnh: MOLISA.

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Kế hoạch đặt ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác an toàn vệ sinh lao động; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; và tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động.

Trong đó, về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác này. Doanh nghiệp chủ động bảo đảm nguồn lực đầu tư cải thiện điều kiện lao động, triển khai biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động.

Chính phủ sẽ tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng. Ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động.

Lồng ghép nội dung an toàn vệ sinh lao động trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, môi trường.

Cùng với đó, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi mức đóng, chế độ hưởng, đối tượng tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về vấn đề này. Rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, khắc phục kịp thời vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Liên quan đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, Chính phủ đề nghị kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, thanh tra lao động, thanh tra các cấp.

Tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về tình hình thi hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động kịp thời, đúng quy định.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, chú trọng kiểm soát điều kiện lao động; nghiên cứu cơ chế kiểm soát chất lượng các hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Đặc biệt, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và chiến lược phát triển dài hạn của quốc gia, các ngành, các cấp và địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Chính phủ cũng sẽ tăng cường xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, người lao động.

Đồng thời, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhằm răn đe và tuyên truyền tính nghiêm minh của pháp luật.

Chính phủ cũng đề nghị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn vệ sinh lao động.