Tăng trưởng âm hai quý liền, kinh tế Mỹ vì sao chưa bị gọi là suy thoái?
Mỹ vừa công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế giảm liền hai quý, nhưng không vì thế mà nền kinh tế lớn nhất thế giới bị cho đã suy thoái...
Báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đáp ứng tiêu chuẩn phổ biến của suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn còn đang tranh cãi về việc liệu sẽ có một cuộc suy thoái chính thức được công bố hay không, ít nhất là trong vài tháng tới đây.
Theo hãng tin CNBC, “trọng tài” quyết định kinh tế Mỹ có chính thức suy thoái hay không là Uỷ ban Xác định chu kỳ kinh doanh (Business Cycle Dating Committee) thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBRE), mà uỷ ban này không áp dụng định nghĩa suy thoái thông thường là ít nhất hai quý suy giảm GDP liên tiếp.
GIỚI CHUYÊN GIA KHÔNG CHO RẰNG ĐÃ CÓ SUY THOÁI
Thay vào đó, NBRE định nghĩa suy thoái là “một đợt suy giảm mạnh mẽ các hoạt động kinh tế trong khắp nền kinh tế và kéo dài ít nhất vài tháng”. Điều đó có thể đồng nghĩa với mấy quý suy giảm liên tiếp. Trên thực tế, từ năm 1948 đến nay, mỗi lần GDP Mỹ suy giảm ít nhất 2 quý liên tiếp, NBER cuối cùng đều công bố suy thoái.
Dữ liệu ngày 28/7 từ Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP của nước này giảm 0,9% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,6% trong quý 1. Nhưng NBER thậm chí không sử dụng GDP như một yếu tố chính trong đánh giá xem nền kinh tế hay chưa, và tổ chức này vào năm 2001 đã công bố kinh tế Mỹ suy thoái dù không hề có những quý suy giảm sản lượng liên tiếp.
Phát biểu hôm 27/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ông không cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái, thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu GDP.
Lần này, có thể NBER sẽ một lần nữa gây bất ngờ, nhưng theo chiều hướng tích cực. Lý do ở đây là vào thời điểm hiện tại, hầu như không có một chuyên gia kinh tế lớn nào ở Phố Wall dự báo NBER sẽ công bố kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong nửa đầu của năm 2022. “Nền kinh tế không hề suy thoái trong nửa đầu năm, nhưng khả năng có suy thoái vào cuối năm đang tăng lên”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định.
Cũng giống như các đồng nghiệp ở Phố Wall, ông Zandi nói rằng thị trường việc làm sôi động là lý do chính khiến NBER sẽ không công bố suy thoái. Từ đầu năm đến nay, thị trường lao động khu vực phi nông nghiệp của Mỹ bình quâncó thêm 457.000 công việc mới mỗi tháng, nhưng vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
“Chúng ta đã tạo ra được nhiều việc làm. Chúng ta có tỷ lệ sa thải thấp kỷ lục. Chúng ta có số vị trí cần tuyển dụng nhiều kỷ lục. Tiêu dùng, đầu tư, tất cả đều đang tích cực. Tôi không cho là NBER sẽ công bố suy thoái”, ông Zandi nói.
Phát biểu hôm 27/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ông không cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái, thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu GDP.
“Những gì chúng ta đang có hiện nay không có vẻ gì là một cuộc suy thoái”, ông Powell nói. “Và lý do thực sự ở đây là thị trường lao động đang gửi đi một tín hiệu về sức mạnh kinh tế, đến mức mà bạn sẽ phải đặt câu hỏi về dữ liệu GDP”.
NBER không phải là một cái tên ai ai cũng biết tới, ngay cả ở Mỹ. Tuy nhiên, các đánh giá của tổ chức nghiên cứu tư nhân này được các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ sử dụng làm căn cứ quan trọng nhất để xác định tình trạng của nền kinh tế.
6 yếu tố mà NBER sử dụng để xác định suy thoái kinh tế bao gồm: Thu nhập cá nhân thực sau khi trừ đi các khoản thanh toán; thị trường lao động phi nông nghiệp; tỷ lệ người lao động có việc làm dựa trên khảo sát hộ gia đình do Cục Thống kê lao động thực hiện; chi tiêu dùng cá nhân thực tế; doanh thu bán lẻ sau khi điều chỉnh theo biến động giá cả; và sản lượng công nghiệp.
RỦI RO SUY THOÁI ĐANG RẤT LỚN
“Xác định một cuộc suy thoái kinh tế không phải là một việc đơn giản và không chỉ bao gồm một khoảng thời gian suy giảm nhất định, mà còn bao gồm mức độ sâu, rộng của sự suy giảm đó trong nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Tim Quinlan của Wells Fargo nhận định. Tuy nhiên, sau khi báo cáo GDP quý 2 của Mỹ được công bố, ông Quinlan nói rằng các điều kiện đang tiến nhanh tới tiêu chuẩn suy thoái kinh tế của NBER.
“Việc áp định nghĩa chính xác của suy thoái sẽ trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, xét tới sự suy yếu không đồng đều của các hoạt động kinh tế phản ánh trong mức giảm 0,9% của GDP quý 2. Tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng và thị trường việc làm vẫn vững vàng. Còn quá sớm để cho rằng nền kinh tế đã chấm dứt tăng trưởng, nhưng thời điểm đó đang đến nhanh”, ông Quinlan phát biểu.
Đầu tháng này, Nhà Trắng vấp phải một số phản đối khi đăng một bài blog khẳng định nền kinh tế hiện không suy thoái. Các nhà phê bình cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thay một đổi định nghĩa bấy lâu nay và giới truyền thông đang ủng hỗ nỗ lực này của Nhà Trắng bằng cách thi nhau nói về cách xác định suy thoái kinh tế của NBER. Trong bài đăng này, Nhà Trắng nói “các dữ liệu chính thống” như “thị trường lao động, chi tiêu dùng và chi của doanh nghiệp, sản lượng công nghiệp và thu nhập” đều là căn cứ trong định nghĩa thực sự về suy thoái.
“Mọi người đang có tâm trạng rất bi quan và u ám. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ tiên lượng nào xấu đến vậy về nền kinh tế này. Xét cho cùng, suy thoái là sự mất mát niềm tin".
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi, Moody’s Analytic
“Dựa trên các dữ liệu này, khó có khả năng sự suy giảm GDP trong quý 1 năm nay - thậm chí nếu được tiếp nối bởi một sự suy giảm trong quý 2 - cho thấy một cuộc suy thoái”, bài blog của Nhà Trắng có đoạn.
“Chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách đang tự gây rắc rối cho chính mình khi giải thích vì sao nền kinh tế hiện không suy thoái. Tuy nhiên, họ có lý lẽ chắc chắn của họ”, chiến lược gia Seema Shah của Principle Global Investors nhận định. “Về mặt kỹ thuật, hai quý tăng trưởng âm liên tiếp đồng nghia với một cuộc suy thoái, nhưng các dữ liệu kinh tế hiện tại lại không phản ánh một cuộc suy thoái”.
Nhưng dù NBER không công bố kinh tế Mỹ suy thoái trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Lãi suất tăng lên, lạm phát dai dẳng, và tâm lý bi quan của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang đặt ra những nguy cơ lớn phía trước.
Dù không cho rằng nền kinh tế suy thoái trong nửa đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có khả năng cao suy thoái sẽ xảy ra trong 6 tháng cuối năm hoặc trong năm 2023.
“Mọi người đang có tâm trạng rất bi quan và u ám. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ tiên lượng nào xấu đến vậy về nền kinh tế này. Xét cho cùng, suy thoái là sự mất mát niềm tin. Người tiêu dùng không còn tin vào việc họ sẽ có việc làm, doanh nghiệp không còn tin họ sẽ bán được hàng hoá. Rủi ro mất niềm tin và nền kinh tế rơi vào suy thoái đang rất lớn”, ông Zandi nhấn mạnh.