“Tàu lượn” chỉ số trong ngày đáo hạn phái sinh
Kể từ khi áp dụng cách tính giá đáo hạn phái sinh mới thay vì giá đóng cửa của VN30 thì thị trường càng náo loạn. Chiều nay một đợt đánh lên khá dữ đẩy vọt các chỉ số tăng lên đỉnh, trước khi lại thả rơi xuống vùng đỏ. Biên độ tối đa ở VN30 lên tới gần 16 điểm trong buổi chiều...
Kể từ khi áp dụng cách tính giá đáo hạn phái sinh mới thay vì giá đóng cửa của VN30 thì thị trường càng náo loạn. Chiều nay một đợt đánh lên khá dữ đẩy vọt các chỉ số tăng lên đỉnh, trước khi lại thả rơi xuống vùng đỏ. Biên độ tối đa ở VN30 lên tới gần 16 điểm trong buổi chiều.
Mặc dù việc thay đổi cách tính giá đáo hạn bằng cách lấy giá trị trung bình của VN30 trong 15 phút cuối đợt liên tục và giá ATC có vẻ công bằng và khó thao túng hơn. Tuy nhiên thực tế cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Khi điều kiện thanh khoản cho phép, các cổ phiếu trụ vẫn có thể làm điên đảo chỉ số.
Cả VN-Index lẫn VN30-Index giảm chạm đáy sâu nhất phiên khoảng 10 phút đầu tiên của phiên chiều. Tuy nhiên đó lại là sự khởi đầu của một nhịp biến động mạnh mẽ. Loạt cổ phiếu lớn VCB, VIC, VNM, MSN, TCB, GAS được nâng giá lên cùng lúc, kéo các chỉ số tăng dựng đứng. VN-Index vượt tham chiếu 0,62%, VN30-Index tăng 0,73%. Đối với phái sinh, điểm số quan trọng nhất, thì VN30-Index dao động chênh lệch tới gần 16 điểm. Rõ ràng nhịp tăng này rất có lợi cho phe Long.
Tuy nhiên 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC, hàng loạt cổ phiếu lại hạ giá xuống, tạo nên nhịp lao dốc ở các chỉ số. Chốt phiên VN-Index giảm 0,13%, VN30-Index giảm 0,04% so với tham chiếu. Nếu căn cứ vào cách tính giá đáo hạn thì phe Short lại có lợi, nếu vào lệnh tranh thủ trong nhịp đẩy lên trước đó.
Điều quan trọng là độ rộng tiếp tục hẹp, phản ánh biến động giá ở cổ phiếu tiêu cực. Bất kể chỉ số lên xuống thế nào thì cũng chỉ liên quan đến phái sinh, còn đa phần nhà đầu tư liên quan đến cổ phiếu. Vì thế khi số mã giảm giá trong VN-Index cuối phiên gấp 2,5 lần số mã tăng giá, tình thế vẫn là bất lợi cho nhà đầu tư cầm cổ.
Thực tế ngay cả khi VN-Index được đánh lên đỉnh cao nhất chiều nay thì độ rộng vẫn chỉ là 161 mã tăng/286 mã giảm. Đây là bằng chứng rõ nhất của hiện tượng kéo trụ. Điểm số được nâng lên bằng một nhóm cổ phiếu thì cũng có thể được hạ xuống, khi các mã này “xịt”.
VIC vẫn là cổ phiếu lớn tăng có ảnh hưởng nhất khi chốt phiên trên tham chiếu 1,19%. Tuy vậy mã này cũng có 15 phút cuối đợt liên tục lao dốc và ATC tiếp tục suy yếu. VIC tăng đạt đỉnh trùng với thời điểm của VN-Index, trên tham chiếu tới 2,97%. Điều này nghĩa là VIC bị đánh tụt giá tới 1,73% so với đỉnh. SAB, NVL, MSN là các mã bị đánh tụt tới trên 2%. Thậm chí GAS còn bốc hơi 3,56% so với đỉnh.
Biến động quá mạnh của nhiều cổ phiếu lớn trong ngày đáo hạn phái sinh khiến thị trường hôm nay khá bất ổn và kém tin cậy. Nhìn chung mặt bằng giá chiều nay thấp hơn buổi sáng, khi có tới 147 mã giảm hơn 1%. Thanh khoản lại tăng cao trong buổi chiều với 8.489 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết, cao hơn buổi sáng gần 22%. Như vậy tín hiệu bán ra chiều nay rõ hơn buổi sáng. Nhà đầu tư vẫn canh giá hồi lên để chốt lời.
Tuy vậy, nhiều cổ phiếu vẫn tỏ ra xuất sắc nhờ nhận được dòng tiền mới khá mạnh mẽ. Nhóm chứng khoán nổi bật với SSI, VND, HCM đều thuộc Top 5 mã thanh khoản cao nhất thị trường và giá tăng mạnh: SSI tăng 2,24%, VND tăng 1,12% và HCM tăng 4,81%. Tới 22 mã nhóm chứng khoán trên các sàn đóng cửa trên tham chiếu từ 1% trở lên và chỉ có 2 mã giảm là TCI và VUA.
Khối ngoại buổi chiều cũng giao dịch đảo ngược, tăng mua rất tốt. Riêng phiên chiều giá trị mua vào trên HoSE khoảng 908,2 tỷ đồng, bán ra 643,5 tỷ đồng. Nhờ đó vị thế tổng của cả phiên đảo chiều thành mua ròng 118,4 tỷ đồng trong khi phiên sáng bán ròng 146,3 tỷ đồng. VNM được mua nhiều nhất với 115,9 tỷ ròng, SSI +87,7 tỷ, HDB +69 tỷ, VND +53 tỷ. Phía bán ròng có VHM -102,7 tỷ, DGC -49 tỷ đồng.