Chứng khoán Mỹ sụt điểm sau biên bản Fed, giá dầu thô thoát đáy 6 tháng
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 26-27/7 của Fed là nhân tố chính quyết định diễn biến thị trường phiên này...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/8), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy quyết tâm tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát. Giá dầu thô tăng trở lại sau khi chạm đáy 6 tháng nhờ số liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 172 điểm, tương đương giảm 0,5%, còn 33.980,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72%, còn 4.274,04 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,25%, còn 12.938,12 điểm.
Đây là phiên giảm đầu tiên của Dow Jones sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp và là phiên mất điểm đầu tiên trong 4 phiên của S&P 500. Với phiên giảm này, cả S&P 500 và Nasdaq có khả năng giảm điểm trong tuần, khép lãi chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 26-27/7 của Fed là nhân tố chính quyết định diễn biến thị trường phiên này. Nội dung biên bản cho thấy Fed giữ vững quyết tâm chống lạm phát, nhưng phát tín hiệu có thể điều chỉnh tiến độ tăng lãi suất tuỳ theo điều kiện thị trường.
Giới đầu tư đã “phập phồng” hy vọng rằng Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất sau khi dữ liệu tháng về tháng 7 cho thấy lạm phát ở Mỹ đã dịu đi. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ giảm bớt độ cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ. Điều này khiến cho đà tăng điểm của thị trường gặp khó.
“Chúng tôi thuộc phe tin rằng Fed sẽ không xoay trục chính sách”, chiến lược gia Scott Wren của Wells Fargo Investment Institute phát biểu trên CNBC. “Biên bản cuộc họp của Fed không hề khiến chúng tôi thay đổi quan điểm chút nào. Tôi cho rằng mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vẫn có thể được áp dụng trong cuộc họp tháng 9, và chúng ta sẽ chứng kiến thêm những đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay. Ở thời điểm này, tôi thấy rằng thị trường đã tăng hơi quá một chút rồi”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,31 USD/thùng, tương đương tăng 1,42%, chốt ở 93,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,58 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đóng cửa ở 88,11 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu Brent tụt về mức 91,51 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2.
Giá dầu thoát đáy sau khi số liệu hàng tuần của Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng vượt dự báo. Ảnh hưởng của dữ liệu này lấn át thông tin về sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Nga tăng, cũng như mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/8, còn 425 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 275.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Tồn kho xăng giảm 4,6 triệu thùng, nhiều hơn mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ lập kỷ lục 5 triệu thùng/ngày.
Trong khi dữ liệu của Mỹ phản ánh sức cầu mạnh và hỗ trợ cho giá dầu, thông tin liên quan đến Nga lại ảnh hưởng đến giá dầu theo chiều hướng ngược lại. Một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga do hãng tin Reuters thu thập được cho thấy Nga đã bắt đầu tăng dần sản lượng khai thác dầu sau khi phải cắt giảm sản lượng “vàng đen” do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Khách hàng châu Á tăng mua dầu Nga, dẫn tới việc Moscow nâng dự báo về sản lượng và khối lượng xuất khẩu dầu cho tới hết năm 2025.
Ngoài ra, tài liệu trên cũng nói rằng kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Nga có thể tăng 38% trong năm nay, một phần nhờ khối lượng xuất khẩu dầu tăng lên. Đây là một dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu từ Nga không bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh và trừng phạt như dự báo ban đầu của thị trường.
Mối lo suy thoái kinh tế cũng tiếp tục gây sức ép giảm lên giá dầu. Số liệu từ Anh cho thấy lạm phát ở nước này đã nhảy lên mức 10,1% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ năm 1982, gây áp lực lớn lên ngân sách của các hộ gia đình. Đây là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch.
“Vẫn đang có nhiều sức ép giảm giá dầu do triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi và những bấp bênh xung quanh cuộc chiến chống Covid ở Trung Quốc”, chuyên gia Craig Erlam của Oanda nhận xét.
Thị trường vẫn đang chờ những diễn biến mới từ cuộc đoàn phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc. Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs nói rằng nếu thoả thuận được khôi phục và Iran được xuất khẩu dầu bình thường trở lại, ngân hàng Mỹ này sẽ giảm dự báo giá dầu năm tới 5-10 USD/thùng từ mức 125 USD/thùng.