19:26 23/04/2024

Mở thêm không gian đối với xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp

Ánh Tuyết

Năm 2023 chứng kiến sự gia tăng đột biến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các tổ chức đã được xếp hạng tín nhiệm, cao gấp 10 lần năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn rất khiêm tốn, mới đạt khoảng 9% so với quy mô toàn thị trường và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực...

Quy định xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ bắt buộc trong nhiều trường hợp từ đầu năm 2024 và bắt đầu đề cập đến việc giám sát hoạt động các đơn vị xếp hạng tín nhiệm.
Quy định xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ bắt buộc trong nhiều trường hợp từ đầu năm 2024 và bắt đầu đề cập đến việc giám sát hoạt động các đơn vị xếp hạng tín nhiệm.

Ngày 23/4 tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Ngoại giao và Thương mại (Úc) tổ chức hội thảo “Thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam: Định hướng và tiềm năng phát triển".

Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định việc phát triển văn hoá xếp hạng tín nhiệm là nhân tố quan trọng góp phần cải thiện tính minh bạch cho thị trường; đồng thời, hỗ trợ phát triển hạ tầng mềm cho thị trường thông qua hình thành đường cong lợi suất, định giá trái phiếu. Từ đó, tạo đà phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững hơn và hiện thực hoá mục tiêu của Chính phủ nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào 2030 từ mức 10% GDP như hiện nay.

CÓ 9% TRÁI PHIẾU PHÁT HÀNH TỪ NHỮNG DOANH NGHIỆP ĐƯỢC "DÁN NHÃN" 

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm nhằm đánh giá khả năng trả nợ, “dán nhãn” mức độ rủi ro của tổ chức phát hành hoặc với một trái phiếu, một công cụ nợ cụ thể. Về số lượng đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Việt Nam hiện có 4 tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép và dự kiến sẽ có tối đa 5 đơn vị theo quy hoạch ngành này do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, thông tin tại hội thảo cho thấy số lượng hợp đồng cung cấp dịch vụ dù tăng trưởng mạnh hai năm gần đây nhưng vẫn còn ít ỏi so với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khối ASEAN, có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn Việt Nam nhưng 51% lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng. Trong khi đó, trái phiếu đã được công bố xếp hạng ở Việt Nam là 0%.

Chẳng hạn, Indonesia đứng đầu với tỷ lệ 82%, theo sau là Malaysia, Phillipines, Singapore lần lượt với 54%, 26% và 30%. Tại Thái Lan, tất cả các quỹ tương hỗ muốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì trái phiếu đó phải được xếp hạng tín nhiệm. Hay tại Malaysia, dù không bắt buộc, doanh nghiệp vẫn chủ động xếp hạng tín nhiệm để phát hành trái phiếu. 

Nhìn lại toàn cảnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, theo bà Hồ Việt Hương, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), hiện tại thị trường dần cải thiện, tâm lý nhà đầu tư bắt đầu ổn định trở lại.

Quý 1/2024 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với giá trị phát hành 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: FiinRatings.
Nguồn: FiinRatings.

Số lượng doanh nghiệp chủ động xếp hạng tín nhiệm và công bố ra thị trường có xu hướng tăng nhưng vẫn rất khiêm tốn. Trong số 37 doanh nghiệp công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm trên thị trường, có 22 doanh nghiệp được xếp hạng bởi FiinRatings, số còn lại được xếp hạng bởi các đơn vị xếp hạng tín nhiệm khác.

 

"Tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đã tham gia xếp hạng tín nhiệm đạt gần 27.000 tỷ đồng năm 2023, gấp 10 lần năm 2022, chiếm khoảng 9% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ".

Bà Hồ Việt Hương, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Theo bà Hương, thách thức phát triển thị trường là cơ sở nhà đầu tư còn hạn chế, các nhà đầu tư e ngại rót tiền mua trái phiếu doanh nghiệp do thiếu niềm tin vào chất lượng của các tổ chức phát hành sau những vi phạm thời gian vừa qua.

"Về chuẩn hóa, minh bạch thông tin, hiện thị trường chưa có đường cong lãi suất chuẩn có sự liên kết chặt chẽ với xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết mật thiết với độ rủi ro của doanh nghiệp phát hành", bà Hương đặt vấn đề.

Cũng theo bà Hương, khi triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/3/2023, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính rà soát lại những trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm năm 2023.

"Trong số 215 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 73 doanh nghiệp, có 38 đợt phát hành của 26 doanh nghiệp thuộc trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm, tương đương với tỷ lệ 18% số lượng các đợt phát hành", bà Hương cho biết.

Bước sang năm 2024, khi quy định xếp hạng tín nhiệm có hiệu lực, cùng với dự báo môi trường kinh doanh dần phục hồi, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, thị trường xếp hạng tín nhiệm sẽ phát triển hơn và thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh hơn trong thời gian tới.

ĐẢM BẢO ĐỘC LẬP, NGĂN HÀNH VI MUA ĐIỂM XẾP HẠNG

Theo bà Maria Joao Pateguana, chuyên gia cao cấp về phát triển khu vực tư nhân ADB, thời gian qua Bộ Tài chính triển khai những hành động kịp thời giúp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, giải quyết một trong những vấn đề thị trường đang thiếu hụt, đó là làm thế nào để phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm một cách đáng tin. Từ đó, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển có trật tự và lành mạnh hơn.

Bà Maria Joao Pateguana cho biết ADB hỗ trợ phát triển lĩnh vực tài chính tại Việt Nam trong gần 3 thập kỷ qua, trong đó có việc hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bên liên quan thực hiện cải cách, đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu.

Nổi bật là ADB hỗ trợ Việt Nam cải thiện khung pháp lý và giám sát đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency-CRA). Cùng với đó, ADB hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép thông qua việc giáo dục thị trường, nâng cao nhận thức về xếp hạng tín nhiệm.

Hiện ADB cũng đang triển khai chương trình bù đắp một phần chi phí xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp, đơn vị chủ động, tiên phong xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Hội thảo cũng nhận được những chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế về việc giám sát các đơn vị xếp hạng tín nhiệm, trong đó có vấn đề xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, tách bạch giữa hoạt động chuyên môn và hoạt động thương mại; nâng cao vai trò của bộ phận tuân thủ và kiểm soát rủi ro mua điểm xếp hạng tín nhiệm.

Theo ông Micheal Foley, Phó chủ tịch Châu Á Thái Bình dương của Moody's, toàn cầu hiện có khoảng 150 đơn vị xếp hạng tín nhiệm, trong đó, ba đơn vị xếp hạng tín nhiệm lớn nhất trên thế giới, gồm: S&P, Moody's và Fitch Ratings chiếm thị phần áp đảo, (gần 95%). Ông Micheal Foley cho rằng quản trị doanh nghiệp tốt là điều kiện thiết yếu với chất lượng xếp hạng tín nhiệm.

Xếp hạng tín nhiệm có chất lượng sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tạo lập niềm tin trên thị trường và tìm kiếm được các nhà đầu tư phù hợp. Quan trọng hơn, việc xếp hạng tín nhiệm có thể giúp giữ niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường gặp nhiều trở ngại hay nhiều yếu tố xấu tác động.

Về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp tại các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đóng một vai trò rất quan trọng trong trong việc hỗ trợ tuân thủ quy định của pháp luật cũng như kết quả hoạt động.

 

“Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần được tổ chức theo cách đảm bảo lợi ích kinh doanh không làm ảnh hưởng đến tính độc lập hoặc tính chính xác của hoạt động xếp hạng tín nhiệm”.

Ông Micheal Foley, Phó chủ tịch Châu Á Thái Bình dương của Moody's.

Từ chuẩn mực quốc tế, lãnh đạo Moody's lưu ý 4 nguyên tắc khi phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Một là, chất lượng và tính chính trực của quá trình xếp hạng tín nhiệm. CRA cần có quy trình để đưa ra ý kiến nhằm giảm việc mất cân bằng thông tin giũa người đi vay, người cho vay và các đối tượng tham gia thị trường.

Hai là, độc lập và xử lý mâu thuẫn xung đột lợi ích. Các quyết định xếp hạng của CRA phải độc lập và không chịu các áp lực kinh tế hoặc chính trị hay các mâu thuẫn có thể phát sinh do cơ cấu có đồng sở hữu của CRA, các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động tài chính, hoặc các quyền lợi tài chính của các nhân viên của CRA.

Ba là, minh bạch và kịp thời của việc công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm. CRA phải đưa mục tiêu công bố các xếp hạng tín nhiệm và minh bạch trở thành mặt mục tiêu trong hoạt động xếp hạng tín nhiệm.

Bốn là, bảo mật thông tin. Các CRA phải đảm bảo bảo mật tất cả các thông tin không được công bố ra công chúng liên quan tới các tổ chức phát hành, tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận bảo mật hoặc bằng cách khác, tuân thủ một sự thống nhất từ hai bên là các thông tin được phép chia sẻ.

Sau khi ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia quốc tế tại hội thảo, lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với các tổ xếp hạng ở Việt Nam để thiết kế các chương trình phổ biến, tuyên truyền văn hoá xếp hạng tín nhiệm một cách bài bản và phù hợp với tất cả các đối tượng nhà đầu tư, tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát khung khổ pháp lý để dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phát triển hơn; đồng thời, bổ sung các quy định, chế tài đảm bảo kết quả xếp hạng tín nhiệm chất lượng và đáng tin cậy.

Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu kỹ kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để giám sát các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Một mặt nhằm tạo tính cạnh tranh cho thị trường. Mặt khác, giảm thiểu rủi ro và sẽ xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, ngăn hành vi hạ chuẩn trong quá trình cung cấp dịch vụ ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Từ kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng nghiên cứu thành lập chức năng kiểm soát độc lập, phân tách giữa các chức năng, ngăn ngừa rủi ro, xung đột lợi ích trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Đối với các doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện với trường hợp bắt buộc phải xếp hạng.

Theo đó, từ đầu năm 2024, xếp hạng tín nhiệm là bắt buộc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Với những doanh nghiệp không bắt buộc, đại diện Bộ Tài chính gợi mở doanh nghiệp nên thấu hiểu lợi ích của xếp hạng tín nhiệm và nhắc giữa chi phí - lợi ích, bởi doanh nghiệp tự nguyện xếp hạng tín nhiệm sẽ có khả năng tiếp cận nhà đầu tư lớn hơn.

Phát triển thông lệ xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhằm góp phần cải thiện tính minh bạch, tạo cơ sở hạ tầng mềm từ kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng đến phát triển lành mạnh, bền vững, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tăng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào 2030.

Việt Nam đã có 4 đơn vị xếp hạng tín nhiệm nhưng số lượng doanh nghiệp là tổ chức được xếp hạng tín nhiệm còn thấp và chưa có công cụ nợ như trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Có nghĩa, hiện mới chỉ xếp hạng tổ chức chứ chưa xếp hạng sản phẩm. 

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch HĐQT Fiin Group, hội thảo lần này có sự chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế về việc giám sát các đơn vị xếp hạng tín nhiệm, trong đó vấn đề xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, tách bạch giữa hoạt động chuyên môn và hoạt động thương mại; nâng cao vai trò của bộ phận tuân thủ và kiểm soát rủi ro "mua điểm" xếp hạng tín nhiệm.