Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 1
Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 2

Từ góc độ một quỹ đầu tư, ông nhìn nhận thế nào về bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp và nguồn vốn đầu tư rót vào startup năm 2022 trong bối cảnh thị trường khó khăn?

Trải qua 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt những doanh nghiệp ở giai đoạn sớm (3 năm đầu tiên) đã phải “gồng mình” để tồn tại.

Do khó khăn chung của thị trường nên các startup không có nguồn doanh thu tốt. Sau Covid-19, các tiêu chí điều kiện giải ngân của các quỹ đầu tư thắt chặt hơn. Để được rót vốn, các doanh nghiệp startup phải chứng minh với các quỹ đầu tư về khả năng hồi phục và tăng trưởng doanh thu. Đây cũng là lý do trong giai đoạn hồi phục hậu Covid-19, các doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc cuộc đua “chạy số” để chứng minh, thuyết phục các quỹ.

Tuy nhiên, từ quý 3/2022, các doanh nghiệp lại gặp khó do tình hình suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát cao, sự biến động tỷ giá nên các quỹ đầu tư thắt chặt giải ngân, một số quỹ rút khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng hoạt động kinh doanh của các quỹ lại khá tốt, biên lợi nhuận đầu tư của các quỹ rất cao. Nhưng trong năm 2022, con số này giảm sâu, đặc biệt là những quỹ đầu tư vào doanh nghiệp bị phá sản, dừng hoạt động.

Việc đầu tư vào thị trường đã có sự phân hóa rất rõ nét. Những ngành phụ trợ, không gia tăng được trải nghiệm khách hàng thì sẽ không thể hút được vốn đầu tư. Ngược lại, những lĩnh vực thiết yếu có thể sẽ hút được vốn đầu tư nhưng cũng chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái.

Theo tôi, hiệu suất đầu tư của các quỹ vào startup trong năm 2022 sẽ thấp hơn so với năm 2021. Để quản trị rủi ro, các quỹ phải trích lập dự phòng. Đó là lý do vì sao các quỹ rút tiền mặt về, giữ tiền mặt nhiều hơn tỷ lệ đầu tư. Do đó, nguồn vốn đầu tư vào startup trong năm 2022 chỉ cần bằng năm 2021 đã là một thành công lớn với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, từ diễn biến khó khăn chung của thị trường, cả nền kinh tế thế giới và kết quả thực tế cho thấy, con số này đã giảm.

Đây sẽ là khó khăn chung của cả nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi để có thể huy động được vốn từ các quỹ.

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 3

Vậy theo ông, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các startup cần phải đáp ứng những tiêu chí nào để có cơ hội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư? Những dự án nào sẽ nhận được sự quan tâm rót tiền của các nhà đầu tư?

Bối cảnh khó khăn đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới, bài toán mới cho các doanh nghiệp, startup tìm lời giải. Điều quan trọng là doanh nghiệp nào có khả năng thích nghi, nhanh nhạy tìm hướng đi và cách giải quyết mới có thể thành công. Cơ hội đến với tất cả các startup nhưng những nhà sáng lập phải luôn nhạy bén, bắt nhịp với những thay đổi biến động về kinh tế, môi trường; đồng thời luôn chủ động được nguồn lực trong những lúc rủi ro.

Khi thị trường không còn tăng trưởng nóng, cộng với những khó khăn của nền kinh tế, các quỹ sẽ rút tiền mặt về, “trú ẩn” tạm thời để chờ đợi, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, chứ không vội vàng giải ngân.

Với thị trường đầu tư sơ cấp vào các startup, nhà đầu tư sẽ chắt lọc hơn. Các quỹ sẽ rút vốn khỏi những doanh nghiệp chỉ tăng trưởng đi ngang, không có sự bứt phá. Thay vào đó, đi tìm kiếm những startup ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hiệu quả và có thể tăng tốc trong tương lai ngắn để xem xét giải ngân.

Tất nhiên, các quỹ vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng tiêu chuẩn đầu tư sẽ khó hơn, thận trọng và an toàn hơn. Thay vì đầu tư đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, các quỹ sẽ chỉ lựa chọn các dự án startup ở các ngành thực sự thiết yếu như lương thực, thực phẩm (F&B), mặc dù đây không phải là những ngành có tốc độ tăng trưởng nóng như nhiều ngành mới nổi khác.

Với những ngành phụ trợ, để huy động được vốn đầu tư, các ứng dụng, giải pháp của doanh nghiệp phải gia tăng sự trải nghiệm của người dùng, nếu không sẽ rất khó thuyết phục các nhà đầu tư xuống tiền trong giai đoạn này.

Điều này cũng đồng nghĩa, các quỹ khi lựa chọn đầu tư đều chú trọng, ưu tiên tiêu chí những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng, có nhiều khác biệt, mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng trên cùng một sản phẩm dịch vụ.

Ngoài ra, dưới góc độ của quỹ đầu tư, có thể nhận thấy sự nổi lên rõ nét của một số ngành mới, mô hình doanh nghiệp mới đang thu hút sự quan tâm của các quỹ và trở thành một xu hướng đầu tư, đáp ứng nhu cầu thói quen mới của người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp ngành sản xuất hiện đã nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng trào lưu mới. Đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nhiên liệu, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, nguyên nhiên liệu, viên gỗ nén xuất khẩu có cơ hội bứt phá. Đây cũng là những lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm tìm kiếm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, nhiều quỹ đầu tư châu Âu đặt vấn đề tìm kiếm những doanh nghiệp này ở Việt Nam để đầu tư.

Một làn sóng đầu tư khác cũng nổi lên khá rõ nét thời gian gần đây là các ngành hàng liên quan đến thực phẩm nông nghiệp hữu cơ, làm đẹp, đào tạo online. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các startup trẻ khởi nghiệp đào sâu vào các thị trường ngách, đưa công nghệ vào các lĩnh vực của cuộc sống.

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 4

Nhiều người ví thời điểm hiện nay như là “mùa đông” gọi vốn. Theo ông, “mùa đông” này sẽ kéo dài đến khi nào? Điều này có tác động đến tinh thần khởi nghiệp của các startup mới không?

Tôi dự báo “mùa đông” này có thể sẽ kéo đến hết quý 1/2023. Hy vọng đến quý 2/2023, nếu nền kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực, khi đó room của các định chế tài chính có thể được mở lại, các quỹ tài chính xem xét giải ngân và các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới.

Những khó khăn thách thức hiện nay không làm nản ý chí, tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với những người bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh cần phải có ý tưởng, sản phẩm dịch vụ sắc bén hơn, tinh hơn.

Thời điểm này, nếu startup nào chưa vận hành thì nên tập trung vào củng cố nội lực, tập trung làm thật tốt sản phẩm, không nên nóng vội tung ra thị trường để kêu gọi, huy động vốn.

Ảnh hưởng của lạm phát khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên hoang mang hơn. Riêng với thị trường tiền số đang biến động nên những startup ra mắt ở thời điểm này sẽ rất khó huy động vốn, các nhà đầu tư sẽ dè chừng hơn.

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 5

Trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn”, các quỹ đang thắt chặt, theo ông, làm thế nào để các doanh nghiệp, startup có thể vượt qua khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp cần nguồn lực để phát triển sản phẩm dịch vụ, khẳng định mình?

Tôi nghĩ, trong thời điểm này  khi các yếu tố ngoại lực đang rất khó khăn, các nguồn đầu tư đang thắt chặt, thì điều quan trọng nhất với các startup chính là hãy đi từ nội lực của bản thân.

Các startup muốn trụ vững được thì phải đi lên bằng chính nội lực của mình chứ không nên phụ thuộc và trông chờ hoàn toàn vào nguồn ngoại lực.

Trước hết đó là sự củng cố năng lực của các nhà sáng lập, phải gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo ra những giải pháp dịch vụ khác biệt, gia tăng trải nghiệm và đặt khách hàng là trọng tâm.

Thời điểm này, nếu startup nào xác định phải tìm được nguồn đầu tư mới có thể tồn tại thì chắc chắn sẽ thất bại. Ngoài ra, những startup xác định gọi vốn lớn trong thời điểm này cũng khó có thể thành công.

Mặc dù nguồn vốn từ các quỹ vẫn mở với một số ngành nhưng rất chặt chẽ, chậm, mỏng hơn so với năm trước và cũng chỉ những startup thực sự tốt mới có thể gọi được đầu tư. Những startup trong các ngành trụ vững và đi lên từ nội lực sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư chỉ cần “bơm” một lượng vốn nhất định sẽ giúp startup bứt phá vươn lên.

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 6

Khi nguồn lực bên ngoài khó khăn cũng là lúc cần vai trò của các quỹ đầu tư nội. Là một quỹ đầu tư và là một trong những người tiên phong có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp, startup trong bối cảnh hiện nay?

Nguồn lực đầu tư từ quỹ ngoại là rất quan trọng trong hỗ trợ các startup phát triển. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các startup khó có thể trông chờ nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài. Hiện nay, 80% nguồn vốn từ các quỹ đã “đóng”, chỉ còn 20% room dành cho các startup thực sự xuất sắc, đặc trưng. Các startup sẽ phải “chiến đấu” mạnh mẽ để vượt qua các đối thủ thì mới có thể gọi vốn thành công.

Khi toàn thị trường khó khăn, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các quỹ nội phải có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, startup.

Vai trò của các quỹ nội sẽ tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, startup kiểm soát rủi ro trong thời điểm này, thoát ra khỏi “mùa đông gọi vốn”. Sang quý 2/2023, khi room đầu tư mở trở lại, các startup có thể sẽ nhận được các khoản giải ngân tốt hơn.

Theo tôi, trước hết, doanh nghiệp, startup cần hạn chế đi vay, đặc biệt không vay vốn chợ đen vì có thể sẽ phải chịu áp lực lãi suất lớn và dẫn đến phá sản nhanh hơn.

Thứ hai, các startup cần phải nhận thức rõ những khó khăn chung của thị trường hiện nay và phát huy hết nội lực của mình, cùng hợp lực để làm sản phẩm dịch vụ tinh hơn, thúc đẩy doanh số bằng sự gia tăng trải nghiệm khách hàng. Trong thời điểm này, các startup nên tập trung dồn nguồn lực cho các sản phẩm đang có, hạn chế đầu tư phát triển sản phẩm mới vì sẽ ngốn rất nhiều tiền.

Điều quan trọng trong bối cảnh khó khăn, suy thoái hiện nay, những startup nào tồn tại, trụ vững đã là một sự may mắn. Do đó, các nhà sáng lập phải truyền cảm hứng, thể hiện cái tâm và tầm của mình, tạo sự đoàn kết đồng thuận của tất cả các cộng sự, củng cố nhân sự, tránh làn sóng chuyển việc. Khi nguồn tiền đã mỏng, nhân sự không ổn định, các startup rất dễ đối mặt với nguy cơ phá sản, đặc biệt những startup trong 3 năm đầu.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tuy đã có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, startup, nhưng trong thời điểm này vẫn cần lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của thị trường để có những chính sách hỗ trợ tốt hơn, đúng đối tượng, để các doanh nghiệp, startup Việt Nam ít bị ảnh hưởng, tác động hơn.

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 7

Ông đánh giá thế nào về quỹ nội trên thị trường Việt Nam danh cho các doanh nghiệp, startup hiện nay?

Thống kê cho thấy, hiện nay ở thị trường Việt Nam đang có hơn 200 quỹ đầu tư tài chính đang hoạt động trong đó, quỹ ngoại chiếm gần 170 quỹ, còn lại chỉ có hơn 30 quỹ nội.

Theo tôi, số lượng quỹ hiện nay vẫn còn quá nhỏ so với hơn 800.000 doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam. Nguồn lực đầu tư từ quỹ ngoại là rất quan trọng trong hỗ trợ các startup phát triển. Tuy nhiên, các quỹ cũng chịu sức ép về hoạt động kinh doanh lợi nhuận. Khi thấy tiềm năng thị trường phát triển tốt thì quỹ rót tiền đầu tư.

Chính vì vậy, tôi cho rằng việc phát huy nội lực lúc này là quan trọng nhất. Việt Nam cần hình thành, phát triển thêm nhiều quỹ đầu tư nội hơn nữa, thêm nhà đầu tư cho các quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp. Mặt khác, các quỹ nội cũng phải củng cố niềm tin, công khai minh bạch và đặc biệt luôn cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn, suy thoái.

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 8

VnEconomy 27/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 1-2023 phát hành ngày 02-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 9

06:00 27/01/2023