09:12 03/10/2022

Thanh Hóa: Bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2022

Thiên Anh

Bức tranh kinh tế 9 tháng 2022 của tỉnh Thanh Hóa có những mảng sáng tối đan xen...

Chợ Vườn hoa, thành phố Thanh Hóa
Chợ Vườn hoa, thành phố Thanh Hóa

Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.326 tỷ đồng, vượt 39,7% dự toán tỉnh giao, tăng 56,5% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 24.373 tỷ đồng, vượt 42,2% dự toán, tăng 54,4% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 14.953 tỷ đồng, vượt 35,9% dự toán, tăng 60,0% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước tính từ đầu năm đến ngày 16/9/2022 ước đạt 26.047 tỷ đồng, đạt 72,3% dự toán, tăng 0,2% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 11.964 tỷ đồng, vượt 12,5% dự toán, tăng 5,2%; chi thường xuyên 14.037 tỷ đồng, đạt 57,7% dự toán, giảm 3,9% so cùng kỳ.

Các điểm du lịch trong tỉnh đã hoạt động trở lại; khách tham quan, du lịch tại các điểm du lịch và hoạt động lưu trú và ăn uống tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Thanh Hóa đã đón hơn 10 triệu du khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.748 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 2.248 tỷ đồng, gấp 3,1 lần. Doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 91,6%. Doanh thu du lịch lữ hành 129,2 tỷ đồng, gấp 4,5 lần. Doanh thu dic̣h vụ tiêu dùng khác 8.815 tỷ đồng, tăng 29,5%.

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CÓ BƯỚC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định và có bước phát triển, các sản phẩm may mặc, giày da tăng thêm sản lượng do đầu tư mở rộng sản xuất trong năm 2021 và hoàn thành đầu tư mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022; các sản phẩm xi măng, gạch xây, bia, thuốc lá… duy trì được sản xuất ổn định.

Đặc biệt, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, ngày 14/7/2022, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ KWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao

Tuy nhiên, trong quý 1 năm 2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, công suất chỉ đạt 55-60%; các doanh nghiệp may mặc, giày da mặc dù đã ký kết được nhiều đơn hàng, nhưng trong những tháng đầu năm liên tục thiếu hụt lao động trong sản xuất kinh doanh.

Giá xăng, dầu sau thời gian ở mức cao đã liên tục giảm, nhưng giá than và một số loại nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ cho sản xuất vẫn ở mức cao, tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành như sản xuất xi măng, nhiệt điện, sắt thép…; làm cho sản xuất công nghiệp tốc độ tăng chậm lại.

Chín tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,03% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng7,51%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,06%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 16,27%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,94% so cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 dự kiến tăng 3,44% so với tháng trước, tăng 60,51% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 63,07% so với cùng kỳ năm trước.

VỐN FDI SỤT GIẢM MẠNH

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 11.919 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 23/9/2022, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Thanh Hóa đạt 6.228 tỷ đồng (bao gồm vốn các chương trình mục tiêu quốc gia), bằng 55% kế hoạch, cao hơn 8,3% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (46,7%).

Hiện tại, Thanh Hóa có 51 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 50% kế hoạch trở lên, 12 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 30% đến dưới 50% kế hoạch, 15 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 10% đến dưới 30% kế hoạch, 9 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch và 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiêṇ hành ước đạt 103.349 tỷ đồng, đạt 71,3% kế hoạch năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 11.636 tỷ đồng, tăng 2,0%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 4.467 tỷ đồng, tăng 3,4%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vưc̣ Nhà nước) 6.443 tỷ đồng, tăng3,5%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 68.813 tỷ đồng, tăng 11,7%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương  ước đạt 7.395 tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoac̣ h năm và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.108 tỷ đồng, bằng 63,3% kế hoac̣h năm và giảm 1,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, vốn đầu tư trưc̣ tiếp nước ngoài 8.282 tỷ đồng, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2021.