10:02 29/09/2022

Thanh Hóa “chạy nước rút” để kịp tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thiên Anh

Đến cuối tháng 9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm của tỉnh Thanh Hóa đạt 55% kế hoạch, đứng thứ 12/20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%. Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn tồn đọng 237,514 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2021 đã được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022...

Thanh Hóa quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công
Thanh Hóa quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 11.919 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 23/9/2022, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Thanh Hóa đạt 6.228 tỷ đồng (bao gồm vốn các chương trình mục tiêu quốc gia), bằng 55% kế hoạch, cao hơn 8,3% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (46,7%).

Hiện tại, Thanh Hóa có 51 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 50% kế hoạch trở lên, 12 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 30% đến dưới 50% kế hoạch, 15 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 10% đến dưới 30% kế hoạch, 9 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch và 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Ngoài nguồn vốn đầu tư công năm 2022, Thanh Hóa cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022, với mục tiêu đến ngày 31/12/2022 giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022.

Tổng số vốn kéo dài thời gian thực hiện là 390,123 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 219,259 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 113,846 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 57,018 tỷ đồng. Theo tổng hợp của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, đến ngày 31/8/2022, các chủ đầu tư mới giải ngân được 152,609 tỷ đồng (còn 237,514 tỷ đồng), bằng 39% tổng số vốn năm 2021 kéo dài, không đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định.

Để đảm bảo kế hoạch giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 14236/UBND-THKH yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 do cấp huyện, cấp xã quản lý.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương chấn chỉnh lại công tác theo dõi tiến độ thực hiện các dự án; tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng, chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới; đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa phải rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát chi, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ưu tiên giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2022 trước rồi mới thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các nghị quyết phiên họp thường kỳ, công điện, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo đúng thời gian quy định.

Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.”

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2021 chỉ được kéo dài thời gian giải ngân 1 năm (sang năm 2022), do đó, trường hợp không giải ngân hết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ phải xem xét điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn thực hiện các dự án. Trong đó, các địa phương tự cân đối nguồn vốn đối với phần vốn được kéo dài thời gian mà không giải ngân hết, đồng thời hủy dự toán để hoàn thành dự án theo quy định.