15:58 13/07/2022

Thanh Hóa đưa 168 dự án “treo” vào tầm ngắm

Thiên Anh

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/7/2022, nghị trường Thanh Hóa đã “dậy sóng” khi Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến các dự án treo, chậm tiến độ trên địa bàn.

Ông Lê Đức Giang trả lời chất vấn tại phiên họp
Ông Lê Đức Giang trả lời chất vấn tại phiên họp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1-7-2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82 ha. Trong đó, có 1.195 dự án được cho thuê đất với diện tích 3.601,37 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76 ha.

Sau khi được giao đất, cho thuê đất, các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án. Kết quả, có 1.102 dự án (khoảng 68,15%) đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86%) đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28%) thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013; 60 dự án thuê đất (chiếm 3,71%) đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Ông Giang thông tin, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay).

UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án vi phạm.

Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn

Những tồn tại, hạn chế có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân khách quan là do quy định của pháp luật về việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng.

Quy định của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp...) chưa đồng bộ, một số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất.

Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng rất bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cũng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn cũng như việc thi công dự án…

Kết luận nội dung trả lời chất vấn trên, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

Ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa kết luận về nội dung chất vấn 
Ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa kết luận về nội dung chất vấn 

Thứ nhất: Phải rà soát tiến độ thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, bao gồm các dự án được giao đất, cho thuê đất trước và sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Cần phân loại, đề ra biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án và báo cáo kết quả với HĐND tỉnh trước ngày trước ngày 30-9-2022.

Thứ hai: Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi đất, các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm pháp luật đất đai; đất đã thu hồi phải đưa ngay vào sử dụng đúng quy định của pháp luật. Phải lựa chọn được nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án và quyết tâm thực hiện dự án.

Thứ ba: Phải nâng cao chất lượng công tác tham mưu việc chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, yêu cầu sử dụng đất, có tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không bảo đảm nguồn vốn và năng lực hoàn thành đầu tư dự án, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời bất hợp pháp, không có ý định đầu tư.

Thứ tư: Chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, việc thực hiện các dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn; kịp thời thời phát hiện, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất, không để tái diễn tình trạng không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định.

Thứ năm: Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cấp tỉnh với chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc quản lý, sử dụng đất đầu tư các dự án.