11:21 15/09/2008

Thắt chặt tiền tệ: Uống thuốc phải đủ liều

Nới lỏng tiền tệ chưa đúng lúc rất có thể sẽ đẩy nền kinh tế vào ma trận những rủi ro và khó khăn mới

Chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua đã phần nào phát huy tác dụng chống lạm phát những vẫn cần tiếp tục thực hiện để đề phòng những rủi ro và khó khăn mới có thể xảy ra. Ảnh chụp tại một siêu thị Co.op Mart.
Chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua đã phần nào phát huy tác dụng chống lạm phát những vẫn cần tiếp tục thực hiện để đề phòng những rủi ro và khó khăn mới có thể xảy ra. Ảnh chụp tại một siêu thị Co.op Mart.
Bài viết của tác giả Hồ Quốc Tuấn, Thạc sỹ Tài chính - Đại học Melbourne.

Thời gian qua, có ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm là một tín hiệu cho thấy có sự “nới lỏng” nhất định của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, ở đây cần nhìn nhận lại chuyện “thắt chặt tiền tệ” thật ra là gì, và do đó, mới nghĩ xem việc tăng lãi suất dự trữ bắt buộc có phải thật sự là “nới lỏng” hay không?

Chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay là nhằm kiềm chế lạm phát thông qua kiểm soát lượng cung tiền trong nền kinh tế, mà một phần quan trọng của lượng cung tiền này là thông qua ngân hàng. Lượng cung tiền này được kiểm soát dưới các hình thức tăng lãi suất để thu hút tiền từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng, đồng thời kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 30%, đặc biệt là kiểm soát tín dụng cho những khu vực nhạy cảm như thị trường chứng khoán và bất động sản.

Sau nhiều tháng triển khai, đến nay chính sách này mới tỏ ra phát huy tác dụng, và vì thế, sẽ rất mạo hiểm nếu nó được chuyển sang thả lỏng. Do đó, không khó hiểu khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản.

Việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho ngân hàng, hay nói cách khác, phần chi phí vốn của ngân hàng nhẹ đi đôi chút, do đó, có thể giảm bớt một phần áp lực lợi nhuận, bù đắp chi phí hoạt động cũng như có thể tính đến chuyện hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, cần lưu ý là họ sẽ không thể cho vay được nhiều tiền hơn, vì vẫn vướng “trần” tăng trưởng tín dụng 30%, và vẫn phải duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc 11%.

Có thể nhìn việc tăng lãi suất dự trữ bắt buộc là một sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong tình hình khó khăn của ngân hàng thương mại, giống như một cách hỗ trợ thanh khoản trước đây. Nhưng, đây chưa phải là nới lỏng tiền tệ. Hiện tại, cung tiền thông qua tín dụng vẫn bị kiểm soát, có điều là kênh vốn trong nền kinh tế được khai thông tốt hơn trong khuôn khổ chính sách tiền tệ thắt chặt nhờ một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay.

Trước đây, khi thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước không tính đến những giải pháp nhằm giúp ngân hàng vẫn có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất “nhẹ nhàng” hơn trong điều kiện “nền kinh tế có ít tiền”, để giảm bớt tác động xấu đến nền kinh tế.

Nay, Ngân hàng Nhà nước đang tính đến những giải pháp khơi thông nguồn vốn bằng cách để một số ngân hàng triển khai nghiệp vụ cho vay tiền đồng với lãi suất thấp và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để hỗ trợ ngân hàng.

Chính sách tiền tệ thời gian tới vẫn cần thắt chặt

Lạm phát tuy đã có tín hiệu được kiềm chế nhưng thực tế vẫn cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 28,32% so với cùng kỳ năm 2007. Mức tăng thấp của CPI trong mấy tháng gần đây là nhờ sự kết hợp của việc thắt chặt tiền tệ và kiểm soát các dự án chi tiêu công không hiệu quả, đồng thời cũng được góp phần bởi giá cả hàng hóa thế giới “hạ nhiệt”.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng giá cả thế giới (nhất là xăng dầu) sẽ không tăng lại, hay là tính mùa vụ của nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sẽ không khiến giá tiêu dùng đột ngột tăng vọt. Do đó, nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn lo ngại về tình hình lạm phát và tiếp tục khuyến cáo thắt chặt tiền tệ.

Nhìn thực tiễn hơn, sức cầu trong nền kinh tế được kiểm soát nhờ người dân cảm thấy giá vừa cao, tiền vừa ít hơn, do đó nhu cầu tiêu dùng có giảm. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố duy trì sức cầu bằng nhiều chương trình bán hàng, đồng thời khi người dân đã quen với mặt bằng giá cao, họ sẽ chi tiêu trở lại.

Mãi lực quay lại có thể tốt cho tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Do đó, vẫn cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, duy trì một mức lãi suất đủ để người dân còn muốn để tiền trong ngân hàng.

Với đà tăng trở lại của chứng khoán và những cơ hội do biến động thất thường của giá vàng hiện nay tạo ra, kênh chứng khoán và vàng có thể thu hút tiền từ nền kinh tế nếu ngân hàng không duy trì một mức lãi suất cạnh tranh. Và nếu để tiền đổ vào những khu vực đầu tư khác, ngân hàng lại không đủ tiền để cho vay kinh doanh, mở rộng sản xuất.

Khi đó, nền kinh tế thực (trực tiếp tạo ra sản phẩm, của cải cho nền kinh tế) tiếp tục thiếu tiền, và do đó không thể nói đến tăng trưởng mạnh, và vì vậy sẽ khó thu hút FDI nhiều nữa.

Sở dĩ FDI đổ vào nước ta nhiều là vì người ta tận dụng khi bong bóng bất động sản “xẹp bớt” để thâm nhập thị trường, đồng thời họ kỳ vọng sau khi nền kinh tế vượt qua khó khăn thì sẽ có những điều chỉnh quan trọng về cấu trúc. Do đó, họ đã đăng ký đầu tư để giành chỗ trước.

Nếu nền kinh tế thực không tăng trưởng mạnh được, thì các nhà đầu tư nước ngoài này cũng không chịu vào nữa, và vốn đăng ký vẫn chỉ là vốn đăng ký.

Nhưng tránh thắt chặt kiểu dàn hàng ngang

Tuy nhiên, nếu thắt chặt tiền tệ theo kiểu “dàn hàng ngang” thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến tăng trưởng kinh tế. Thắt chặt kiểu dàn hàng ngang là duy trì trần 30% tăng trưởng tín dụng cho mọi ngân hàng, bất kể tốt xấu. Điều này là nguy hiểm cho nền kinh tế.

Cách thắt chặt này sẽ tạo ra “rủi ro đạo đức” là những ngân hàng có nhiều rủi ro và có khả năng rơi vào tình trạng bị nhiều nợ xấu vẫn nỗ lực cho vay đến hết giới hạn tăng trưởng tín dụng với hy vọng kiếm tiền bù đắp các khoản lỗ tiềm năng; đồng thời họ cho rằng nếu có chuyện gì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải “cứu” họ để không ảnh hưởng đến hệ thống.

Kết quả là hệ thống ngân hàng vẫn không an toàn hơn bao nhiêu với mức kiểm soát tăng trưởng tín dụng 30%, nhưng nhiều dự án tốt, khách hàng tốt của ngân hàng tốt sẽ không thể vay vốn, trong khi khách hàng nhiều rủi ro của ngân hàng nhiều rủi ro sẽ có tiền. Đây là sự phân bổ không hiệu quả nguồn vốn trong nền kinh tế.

Uống thuốc phải đủ và đúng liều

Thay vì đặt câu hỏi tại sao không nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay, có lẽ, câu hỏi nên đặt ra là nên chăng duy trì mức giới hạn tăng trưởng tín dụng chung 30% cho toàn bộ nền kinh tế; thay vào đó, với các ngân hàng khác nhau, dựa trên năng lực quản trị rủi ro và chất lượng tài sản và thu nhập, sẽ có những mức giới hạn khác nhau.

Như vậy, dự án tốt vẫn có tiền, kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng rủi ro sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Còn nới lỏng tiền tệ chưa đúng lúc rất có thể sẽ đẩy nền kinh tế vào ma trận những rủi ro và khó khăn mới. Khi nền kinh tế lâm bệnh, liều lượng thuốc dùng phải vừa đủ và đúng lúc, đồng thời phải quan sát kỹ tác dụng.

Và điều quan trọng là phải uống thuốc đều theo toa bác sĩ cho đến khi dứt hẳn, chứ không thể mới thấy bệnh hơi giảm nhẹ đã đòi cắt thuốc thì nguy cơ bị tái phát rất cao (nhất là khi mầm bệnh từ bên ngoài vẫn còn chực chờ) và nặng hơn.

(Theo TBKTSG)