10:22 25/08/2008

“Cần duy trì chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ"

Linh San

Quan điểm của Giám đốc ADB tại Việt Nam trong vấn đề giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam

"Do những suy đoán về sự suy giảm của nền kinh tế và các chính sách thắt chặt, chúng tôi hi vọng rằng nhập khẩu sẽ không tăng từ giờ đến cuối năm".
"Do những suy đoán về sự suy giảm của nền kinh tế và các chính sách thắt chặt, chúng tôi hi vọng rằng nhập khẩu sẽ không tăng từ giờ đến cuối năm".
Quan điểm của ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trong vấn đề giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2008?

Tôi cho rằng sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ là do giá hàng hóa trên thế giới tăng. Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu thô, than và nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng không đáng kể, nhưng giá trị xuất khẩu những mặt hàng này lại tăng một cách đáng kể.

Ví dụ, mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu thô giảm 12%, nhưng do giá dầu tăng nên giá trị xuất khẩu dầu thô trong 7 tháng đầu tiên tăng 52,2%.

Tuy nhiên, chúng tôi rất mừng là những mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đạt mức tăng ấn tượng bất chấp những vấn đề kinh tế của một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ. Ví dụ xuất khẩu giày dép và hàng may mặc tăng một cách đáng kể lần lượt ở mức 18,4% và 20,5%.

Theo ông, có những lý do nào đằng sau tín hiệu giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam?

Một số lý do dẫn đến việc tăng thâm hụt thương mại trong những tháng đầu năm là do việc nhập khẩu mang tính phòng ngừa, ví dụ như vốn từ thị trường tài chính chuyển sang nhập khẩu những tài sản khác khi chúng ta nhận thấy lượng nhập khẩu vàng lớn. Sự phát triển quá nóng của nền kinh tế cũng làm cho nhập khẩu tăng.

Tuy nhiên, gần đây, chúng ta nhận thấy rằng thâm hụt thương mại đang có chiều hướng giảm dần do những yếu tố tác động như: sự suy giảm của nền kinh tế, các chính sách tài khóa và tiền tệ dẫn đến việc giảm đầu tư trong lĩnh vực công và tư nhân; sự suy giảm sức mua do lạm phát cao, ảnh hưởng của một số chính sách giảm nhập khẩu và xu hướng đảo ngược của việc xuất khẩu mang tính phòng ngừa chẳng hạn như tiền đồng vẫn ổn định và sự tin tưởng vào tiền đồng sẽ ổn định về mặt trung hạn.

Vậy theo ông, Việt Nam cần phải có những chính sách gì để tiếp tục giảm thâm hụt thương mại từ giờ đến cuối năm?

Do những suy đoán về sự suy giảm của nền kinh tế và các chính sách thắt chặt, chúng tôi hi vọng rằng nhập khẩu sẽ không tăng từ giờ đến cuối năm.

Chúng tôi không mong đợi sẽ chứng kiến nhập khẩu ôtô và thép sẽ tăng, miễn là chính phủ có thể đảm bảo rằng niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và sự duy trì tỷ giá hối đoái ở mức hiện tại cho tiền đồng.

Về mặt này, Việt Nam cần thiết phải duy trì chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ hiện tại. Chừng nào mà nhập khẩu giảm do sự suy giảm của nền kinh tế và loại bỏ việc nhập khẩu mang tính dự phòng thì việc giảm trong thâm hụt thương mại sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở lĩnh vực xuất khẩu trong những tháng còn lại.

Do đó, cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ và chặt chẽ để đối mặt với những trở ngại cho các doanh nghiêp xuất khẩu, đặc biệt là việc tiếp cận tín dụng và chi phí vận chuyển...