16:35 11/09/2008

“Nới lỏng chính sách tiền tệ ngay là chưa thích hợp”

Anh Quân

Quan điểm của ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, về điều hành chính sách tiền tệ

"Phải làm thế nào cho lạm phát xuống, tình hình ổn định thì nới lỏng chính sách tiền tệ khi đó mới hợp lý".
"Phải làm thế nào cho lạm phát xuống, tình hình ổn định thì nới lỏng chính sách tiền tệ khi đó mới hợp lý".
Nới lỏng chính sách tiền tệ để đẩy mạnh tăng trưởng, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hay tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô? Câu hỏi này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Về câu hỏi trên, trên cương vị thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng thời điểm này vẫn chưa “chín” và cần chờ đợi cho đến khi các yếu tố kinh tế vĩ mô xác lập xu hướng ổn định hơn.

Chính sách tiền tệ vừa qua đã có tác dụng nhất định đến nền kinh tế. Theo đánh giá của ông, những yếu tố nào đã tốt lên?

Theo tôi, hiệu quả chính sách vừa rồi đã tạo nên 4 điểm sáng đáng chú ý.

Thứ nhất, trong lĩnh vực tiền tệ, khả năng thanh toán của các ngân hàng đã tốt hơn, tỷ giá được giữ vững hơn, điều chỉnh linh hoạt hơn, lãi suất đang theo xu hướng điều chỉnh xuống kể cả huy động và cho vay.

Thị trường chứng khoán sau một chu kỳ giảm điểm kéo dài đã đứng lại và đang có xu hướng đi lên. Thị trường bất động sản không bị vỡ ra.

Thứ hai là lòng tin của dân, của nhà đầu tư nước ngoài dần được củng cố vững vàng thông qua việc tuyên bố công khai minh bạch, thông qua một số chính sách ra đời và có kết quả, đặc biệt là thông qua những tín hiệu tích cực của tăng trưởng và chống lạm phát.

Thứ ba, tăng trưởng vấn được duy trì và có xu hướng đi lên. Tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta vẫn ở mức cao trên thế giới: trong 6 tháng, GDP tăng trưởng 6,5% thì đến tháng 8 là vào khoảng 7,0%.

Cuối cùng, mục tiêu chống lạm phát là hướng chúng ta đang tăng cường và đã có kết quả. Tốc độ tăng CPI tháng sau đã thấp hơn so với tháng trước. Đáng quý là trong khi lạm phát đang được kiềm chế hiệu quả thì tăng trưởng vẫn duy trì được ở mức cao.

Bằng những điểm nổi bật đó, có thể thấy hướng thoát ra của nền kinh tế nay đã có kết quả và đã xuất hiện những nhân tố mới, tích cực.

Nhưng lạm phát những tháng cuối năm vẫn thường rất căng thẳng?

Chúng ta không phải đã hết những khó khăn. Theo tôi, thách thức trước mắt nằm ở ba điểm.

Thứ nhất, mỗi chính sách ngoài tác động tích cực thì còn những ảnh hưởng tiêu cực. Tác động tốt của chính sách đã phát huy nhưng vẫn còn độ trễ của nó. Và vì vậy, những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách sẽ còn vào và vào rất nhanh, đặc biệt là trong quý 4 này.

Thứ hai, ngoài những tác động chính sách kể trên, trong thời gian tới còn có thêm những vấn đề như thiên tai, sức ép hoàn thành kế hoạch năm… Tất cả sẽ dồn ảnh hưởng vào lạm phát.

Thứ ba là nạn đầu cơ, buôn lậu, phao tin đồn nhảm rất dễ tác động đến tâm lý chưa vững chắc của người dân, mà nếu chúng ta không tích cực thực hiện công khai minh bạch thì nó sẽ tác động không tốt đến lạm phát.

Trước những chuyển biến gần đây của nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc “nới lỏng” chính sách tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng. Ông nghĩ sao?

Trong tình hình hiện nay, do các giải pháp kiềm chế lạm phát vẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng, trong khi đó công cuộc chống lạm phát vẫn còn chưa bền vững, kết quả chưa biểu hiện rõ, vẫn còn những thách thức. Vì vậy, đòi hỏi nới lỏng chính sách tiền tệ ngay là chưa thích hợp.

Phải làm thế nào cho lạm phát xuống, tình hình ổn định thì nới lỏng chính sách tiền tệ khi đó mới hợp lý.

Chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng tốt nhưng chính sách tài khóa có vẻ chưa quyết liệt lắm?

Chính sách tiền tệ chúng ta đi trước một bước và đã thực hiện khá là quyết liệt. Đến khí Chính phủ cho áp dụng các giải pháp trọn gói 8 điểm thì lúc đó chính sách tài khóa, chính sách đầu tư công… được thực hiện đồng thời. Hiện nay các chính sách này vẫn đang được triển khai.

Kết quả đem lại từ chính sách tài khóa cho đến nay chưa nhiều, tác động tích cực đến nền kinh tế chưa mạnh bằng chính sách tiền tệ. Theo tôi, vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện kiên quyết hơn nữa và chỉ đạo phải có kết quả.

Ông có ý kiến gì về các giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra cho những tháng cuối năm?

Chính phủ đặt ra 5 giải pháp trọng tâm cho những tháng cuối năm. Theo tôi thì có ba vấn đề cần tập trung chú ý.

Thứ nhất là tìm mọi cách thực hiện bằng được, khai thác bằng được những giải pháp vừa qua đã “trúng”, đã phát huy tác dụng và phải tăng cường hơn nữa ở các cấp, các đơn vị, các lĩnh vực.

Thứ hai là phải chú ý “đo lường” các chính sách tiền tệ, thắt chặt nhưng phải linh hoạt. Điều chỉnh lãi suất, tỷ giả phải phù hợp, giúp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu nhưng cũng phải phục vụ cho cả việc trả nợ của các ngân hàng thương mại.

Giảm nhập siêu nhưng vẫn đảm bảo nhập khẩu những yếu tố thiết yếu cho sản xuất để tạo ra hàng hóa, giúp kiềm chế lạm phát.

Cuối cùng, cắt giảm đầu tư, tái cơ cấu vốn phải rút được vốn đi nhưng phải đúng địa chỉ, chỗ nào cần rút thì mới rút. Còn những chỗ có tiềm năng thì phải được khai thác.