10:59 25/07/2018

Thêm Canada khởi xướng điều tra bán phá giá với ống thép Việt Nam

Duyên Duyên

Sau Mỹ, châu Âu, Thái Lan, đến lượt Canada khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon của Việt Nam

Chỉ hơn một tháng gần đây, các sản phẩm thép của Việt Nam liên tiếp bị các nước điều tra chống bán phá giá - Ảnh minh họa.
Chỉ hơn một tháng gần đây, các sản phẩm thép của Việt Nam liên tiếp bị các nước điều tra chống bán phá giá - Ảnh minh họa.

Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm bị điều tra là ống thép hàn các bon, gồm các mã HS 7306.30.00.10; 7306.30.00.20; 7306.30.00.30.

Đơn vị khởi kiện là Công ty Novamerivan Steel Inc của Canada. Theo đó, công ty này cáo buộc rằng một số sản phẩm ống thép hàn các bon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ các thị trường trên đang bị bán phá giá tại thị trường Canada và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa nước này.

Thời kỳ bị điều tra là các sản phẩm thép nhập khẩu từ ngày 1/7/2017 đến ngày 30/6/2018.

Theo lịch trình dự kiến của Cơ quan biên phòng Canada, ngày 20/7/2018 cơ quan này công bố quyết định khởi xướng điều tra. Đến ngày 3/8/2018, sẽ ban hành bản lý do khởi xướng điều tra. Tiếp đến ngày 13/8 sẽ là thời hạn trả lời của các nhà nhập khẩu và ngày 28/8 là thời hạn trả lời câu hỏi của Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu.

Dự kiến ngày 2/11, cơ quan chức năng Canada sẽ ban hành bản trình bày lý do đưa ra kết luận sơ bộ.

Trước đó, ngày 18/7, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

Có 28 nhóm sản phẩm bị điều tra, trong đó mỗi nhóm sẽ được quy định một mức hạn ngạch riêng, đối với lượng hàng hóa vượt hạn ngạch, mức thuế áp dụng là 25%. Việt Nam cũng có 3 nhóm sản phẩm bị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.

Cũng trong tháng 7/2018, Cục Ngoại thương (Bộ Thương mại Thái Lan) khởi xướng điều tra gia hạn lần hai biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn, có hoặc không có hoa văn được xuất khẩu vào nước này.

Mặc dù Việt Nam đang được loại ra khỏi danh sách các nước bị áp dụng biện pháp vì lượng xuất khẩu không đáng kể và là nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong vụ việc điều tra gia hạn lần 2 này, nếu lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 3% tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan thì Bộ Thương mại nước này có thể sẽ không loại trừ hàng xuất khẩu của Việt Nam ra khỏi biện pháp tự vệ.

Trước nữa, giữa tháng 6/2018, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan và Hàn Quốc và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ cáo buộc rằng sau khi Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn cáo buộc rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra, và việc sản xuất này không được coi là "chuyển đổi đáng kể".

Như vậy, chỉ hơn một tháng gần đây, các sản phẩm thép của Việt Nam liên tiếp bị các nước điều tra chống bán phá giá. Đây cũng là một trong hai sản phẩm của Việt Nam bị điều tra bán phá giá nhiều nhất trong năm 2017.