Thêm một quỹ ngoại thoái vốn tại FRT
Nhóm quỹ liên quan tới VinaCapital là VOF Investment Limited đã bán 500.000 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 5,42%, xuống còn 4,78% vốn điều lệ tại FPT Retail, tương ứng 3.777.963 cổ phiếu
Nhóm quỹ liên quan tới VinaCapital vừa báo cáo về ngày không còn là cổ đông lớn Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT-HOSE).
Theo đó, nhóm quỹ liên quan tới VinaCapital là VOF Investment Limited đã bán 500.000 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 5,42%, tương ứng 4.277.963 cổ phiếu, xuống còn 4,78% vốn điều lệ tại FPT Retail, tương ứng 3.777.963 cổ phiếu. Giao dịch thực hiện ngàt 11/3.
Như vậy, sau giao dịch ngày 11/3, nhóm VinaCapital đã chính thức không còn là cổ đông lớn tại FRT.
Trước đó, ngày 3/3, nhóm quỹ VinaCapital cũng bán ra 300.000 cổ phiếu FRT, tiếp đến ngày 5/3, nhóm quỹ VinaCapital bán thêm 436.000 cổ phiếu FRT.
Bên cạnh đó, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu FRT. Cụ thể, ngày 14/12/2020 bán ra 269.970 cổ phiếu FRT, ngày 16/12/2020 bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, ngày 17/12/2020 bán ra 1,64 triệu cổ phiếu. Do đó, kể từ ngày 17/12, nhóm Dragon Capital chỉ còn sở hữu 3,12% vốn tại FRT và chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.
Như vậy, hai quỹ ngoại lớn trên sàn là Dragon Capital và VinaCapital đã chính thức không còn là cổ đông lớn tại FPT Retail.
Năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh số lũy kế đạt 14.667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu do tác động mạnh của dịch Covid làm sức mua thị trường ICT giảm mạnh. Bên cạnh đó, FRT cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng Long Châu và tiến hành thử nghiệm với chuỗi FBeauty, vì vậy lợi nhuận trước thuế năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ và đạt 28 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2020, FRT có tổng cộng 595 cửa hàng FPTshop; Chuỗi cửa hàng Long Châu đã đạt mốc 200 cửa hàng vào cuối năm 2020, trải rộng khắp 43 tỉnh thành trên cả nước, tăng 130 cửa hàng so với cuối năm 2019.
Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản giảm hơn 1.200 tỷ, xuống còn 5.390,4 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm mạnh từ 3.383 tỷ xuống 1.829,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 1.195 tỷ lên 1.501 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 494,6 tỷ lên hơn 788 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cuối năm công ty không có ghi nhận nợ dài hạn, trong khi đầu năm là gần 6,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 424 tỷ đồng.
Vừa qua, HĐQT công ty đã thông qua việc cơ cấu lại các chi nhánh theo hướng giảm bớt chi nhánh nhằm vẫn đảm bảo hoạt động bình thường của công ty và tiết kiệm được nguồn lực, chi phí trong vận hành bộ máy hoạt động.
Cụ thể, công ty sẽ giữ nguyên chi nhánh tại Hà Nội và Đà Nẵng. Đồng thời, dừng hoạt động đối với các chi nhánh tại các tỉnh, thành còn lại. Đồng thời, FRT công bố có 60 chi nhánh sẽ dừng hoạt động trong thời gian tới.
Công ty dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 29/4 và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 31/3 tới. Địa điểm và nội dung họp, công ty sẽ thông báo sau.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu FRT đóng cửa giá tham chiếu 28.900 đồng/cổ phiếu.