09:54 08/09/2009

Theo đuổi kích cầu và rủi ro chính sách

Anh Quân

Nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc thận trọng trước khi quyết định tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu

Nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc thận trọng trước khi quyết định tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu - Ảnh: Anh Quân.
Nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc thận trọng trước khi quyết định tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu - Ảnh: Anh Quân.
Tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu có thể còn nhận những quan điểm không đồng thuận với lý do tạo bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gây méo mó thị trường tài chính… Nhưng những rủi ro chính sách từ lựa chọn này khá dễ dàng nhận được sự đồng thuận.

Trong số nhiều chuyên gia kinh tế có mặt tại buổi Hội thảo có chủ đề “Các giải pháp kích thích kinh tế và những vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 7/9, nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc thận trọng trước khi quyết định tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu.

Khó kiểm soát được dòng tiền

Hỗ trợ lãi suất, hay giãn, giảm, miễn thuế… lâu nay vẫn được “gán” cho cái mác “kích cung cũng là gián tiếp kích cầu”, và mọi báo cáo từ phía các cơ quan tiếp vốn cho nền kinh tế đều cho rằng, các khoản hỗ trợ lãi suất là đúng đối tượng, đúng chính sách.

Nhưng những diễn biến trên thực tế con số đang đưa đến nhận định khó bác bỏ, có thể khu vực trung gian đang được hưởng nhiều lợi ích từ gói cầu hơn là khu vực sản xuất trực tiếp. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây cũng ý kiến đã được Quốc hội tiếp nhận nhiều trong thời gian qua.

Dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phân tích, trong khoảng 400 nghìn tỷ đồng giải ngân vốn tín dụng hỗ trợ lãi suất 4%, tính đến cuối tháng 8/2009, có tới 264 nghìn tỷ đồng đổ vào các doanh nghiệp tư nhân, khoảng trên dưới 70 nghìn tỷ cho vay hộ gia đình.

Nhưng ở một diễn biến con số khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lượng vốn đầu tư mới của khu vực dân doanh chỉ đạt khoảng 100 nghìn tỷ trong cùng thời kỳ. “Như vậy, khoản 230 nghìn tỷ đồng đi đâu? Dòng tiền tác động đến thị trường như thế nào?”, ông Thiên đặt vấn đề.

Vốn đang “li khai” sản xuất

Mặc dù chưa có những đánh giá cụ thể về lượng vốn kích cầu đi chệch hướng khỏi nền sản xuất, hay những lý giải hợp lý liên quan đến khoản tín dụng chiếm hơn một nửa tổng giải ngân nguồn vốn hỗ trợ lãi suất kể trên. Nhưng những khởi sắc từ đầu tư chứng khoán và bất động sản đang tạo những nghi ngại về chuyện vốn kích cầu chảy vào các thị trường “mới nổi” này.

Việc chỉ số VN-Index tăng 71%, thị trường bất động sản tăng nóng và có dấu hiệu bong bóng chủ yếu từ cuối tháng 4/2009, cùng lúc với giai đoạn tăng mạnh giải ngân các nguồn vốn kích cầu khiến nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi “Tiền từ đâu?”.

Cũng ngược với dòng chảy của những nỗ lực kích cung, có những con số khác cho thấy dòng tiền đang rời khỏi khu vực sản xuất.

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Benedict Bingham cho biết, dòng tiền đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đã sụt giảm từ cuối năm 2008. Sang đến quý 1/2009, nguồn vốn này tiếp tục giảm trên 1 tỷ USD, và con số này của quý 2/2009 là 818 triệu USD.

Mức tăng chỉ đạt 670 triệu USD của khu vực nhà nước trong nửa đầu năm nay là một so sánh quá khác biệt với con số 1,824 tỷ USD đã rút khỏi khu vực sản xuất ngoài quốc doanh này.

Rủi ro lớn từ cán cân thanh toán

Lo ngại về mất cân bằng cán cân thanh toán, cho đến thời điểm này, đang lấn át những rủi ro khác còn chưa rõ ràng như lạm phát cao, phá sản doanh nghiệp hàng loạt, và kinh tế giảm tăng trưởng lớn…

“Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Việt Nam đã thoát khỏi ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu”, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhận định. Nhưng đại diện IMF cũng bày tỏ quan điểm: “Gần đây, chúng tôi lo ngại nền kinh tế có vẻ mất cân đối”.

Diễn biến dễ dàng nhận thấy là sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá ngoại tệ chính thức do Ngân hàng Nhà nước quy định và tỷ giá trao đổi ở thị trường chợ đen trong thời gian gần đây. Điều này được ông Benedict Bingham lý giải rằng do mất cân bằng về cán cân thanh toán.

Mất cân đối cán cân thanh toán thể hiện ở cả cán cân vãng lai và tài khoản vốn. Nếu tính cả tái xuất vàng, trong nửa đầu năm 2009, cán cân vãng lai của Việt Nam đang âm 2,4 tỷ USD. Về phía cán cân vốn, dù được “hỗ trợ” của 3 tỷ USD giải ngân vốn FDI, nhưng cân đối vĩ mô này vẫn còn âm 1,15 tỷ USD.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, cán cân thanh toán của Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn từ khoản thâm hụt lên tới gần 3,6 tỷ USD này. Và tình hình dường như đang xấu hơn vì những dẫn chứng mà đại diện IMF tại Việt Nam đưa ra chưa tính đến khoản xấp xỉ 3 tỷ USD nhập siêu trong hai tháng gần đây (tháng 7 và tháng 8).

“Ngân hàng Nhà nước không nên để diễn biến cán cân thanh toán sẽ vẫn như vậy. Vì nếu xu hướng này không thay đổi trong những tháng cuối năm 2009 thì sức ép sẽ đè nặng lên năm 2010”, ông Benedict khuyến nghị.

Đại diện cho Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội thảo, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng đồng tình với nhận định trên.

“Tôi tán thành quan điểm của đại diện IMF đã nêu là cán cân thanh toán thâm hụt và chính sách sắp tới phải làm sao để giảm thâm hụt ngân sách”, ông Tiến nói.