12:24 27/01/2008

Thị trường vốn Việt Nam đang hấp dẫn?

Nhóm phóng viên

Ý kiến của một số chuyên gia và nhà quản lý xung quanh những vấn đề nội tại của thị trường vốn Việt Nam

Quy mô thị trường vốn nợ của Việt Nam là tương đối nhỏ với tỷ trọng hiện tại chưa đến 10% GDP.
Quy mô thị trường vốn nợ của Việt Nam là tương đối nhỏ với tỷ trọng hiện tại chưa đến 10% GDP.
Đầu tư gián tiếp là một yếu tố và là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong hai năm qua, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực rót vốn vào thị trường vốn Việt Nam. Điều này một mặt có ý nghĩa khích lệ to lớn, mặt khác cũng đem lại những khó khăn thách thức trong định hướng phát triển thị trường và nền kinh tế để phù hợp với cam kết gia nhập WTO.

Quy mô thị trường vốn nợ của Việt Nam là tương đối nhỏ với tỷ trọng hiện tại chưa đến 10% GDP. Trong khi đó, con số này ở các thị trường đã phát triển là 80%. Điều này có nghĩa là thị trường này của Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng to lớn để lớn mạnh.

Hiện tại, các giao dịch trái phiếu hàng ngày tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào khoảng 170 triệu VND. Mặc dù, trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm khoảng 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ nhanh chóng khi các doanh nghiệp bắt đầu hiểu ra lợi ích của việc sử dụng công cụ trái phiếu trong việc huy động vốn với lãi suất trái phiếu vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia và nhà quản lý xung quanh những vấn đề nội tại của thị trường vốn Việt Nam.

“Phát triển thị trường trái phiếu chuyên biệt”

(Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội)

“Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam mặc dù âm thầm so với thị trường cổ phiếu nhưng cũng đã được phát triển với một tốc độ rất nhanh.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với nhận định là thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay là rất phân tán ở thị trường Hà Nội, thị trường Tp.HCM và thị trường OTC, thiếu hấp dẫn và chưa có giao dịch riêng cho trái phiếu và chưa có hệ thống thông tin tập trung về giao dịch trái phiếu.

Ngày 15/1, Bộ Tài chính đã có quyết định thông qua đề án phát triển thị trường trái phiếu chuyên biệt tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo Đề án, toàn bộ hoạt động giao dịch trái phiếu Chính phủ, bao gồm cả các trái phiếu đang niêm yết tại sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM sẽ được tập trung giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC).

Hàng hóa giao dịch bao gồm các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Mục tiêu của việc thành lập thị trường trái phiếu chuyên biệt là để tăng tính thanh khoản và xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường, từ đó, sẽ xử lý được những vấn đề về thị trường trái phiếu đang gặp phải.

Sau đề án này, Bộ Tài chính sẽ ban hành một văn bản mang tính pháp quy và quy chế giao dịch trái phiếu Chính phủ sẽ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành hoặc do Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành sau khi có sự phê chuẩn của Ủy ban Chứng khoán.

Hai phương thức giao dịch là giao dịch thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường đều thông qua hình thức giao dịch từ xa hay giao dịch trái phiếu không sàn. Hệ thống thanh toán được thực hiện thông qua trung tâm lưu ký. Tiền giao dịch được thực hiện thông qua ngân hàng được chỉ định thanh toán, hiện nay là Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, trong tương lai toàn bộ hệ thống thanh toán sẽ được chuyển qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời hạn thanh toán là T+1.

Theo kế hoạch, hành lang pháp lý cho thị trường này sẽ được hoàn thành trong quý 1. Quý 2 là thời điểm tập trung hàng hóa và sau đó hệ thống giao dịch sẽ được khai trương vào khoảng quý 3/2008.

“Trở ngại lớn nhất là khan hiếm sản phẩm”

(Ông Mark Adams, Trưởng ban Thị trường vốn nợ, BNP Paribas)

“Trong hai năm qua, thị trường trái phiếu Việt Nam đã thu hút được sự chú ý toàn cầu và chúng ta đã chứng kiến lượng trái phiếu tăng trưởng theo cấp số mũ trong 12-18 tháng qua.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, tổng số lượng trái phiếu vẫn ở mức khá thấp. Rất nhiều đợt phát hành vẫn đang còn ở phía trước, và vì thế tổng số trái phiếu được tung ra có thể gấp 4-5 lần con số đã có.

Trước hết, cần chú ý đến sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế. Thực ra, một vài đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước đây là do các nhà đầu tư quốc tế “lèo lái”. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước đã lớn lên đáng kể đủ để chúng ta tin tưởng đây là động lực cho những đợt phát hành mới trên thị trường.

Trong các nước châu Á với những câu chuyện tăng trưởng khả quan, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là trường hợp mạnh mẽ nhất. Cũng như trường hợp Ấn Độ, khi đã là thị trường đầu tư có “đẳng cấp”, số lượng người mua những “giấy tờ có giá” Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Đến nay, các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong nước ra thị trường quốc tế. Nếu điều này tiếp tục, việc mất cân đối nguồn cung sẽ tiếp diễn.

BNP Paribas hướng đến mục tiêu là một trong những “người chơi” dẫn đầu trên thị trường trái phiếu VND. Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng của thị trường này. Số lượng các nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng. Điều này có nghĩa là, các ông chủ vay Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn để thực hiện các kế hoạch huy động vốn của mình.

Trở ngại lớn nhất mà chúng tôi đã gặp phải là sự khan hiếm sản phẩm mới để thỏa mãn nhu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn liên quan đến thủ tục phát hành. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý, các đơn vị phát hành, những người tham gia thị trường và các chuyên gia tư vấn pháp lý đang cùng nhau làm việc để giải quyết những trở ngại đang có trên thị trường.”

“Năm giải pháp tài chính trong năm 2008”

(Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính)

“Năm 2007, thị trường tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh với tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu xấp xỉ 40% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 17% GDP.

Cũng trong năm 2007, Chính phủ quyết tâm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước khi công bố lộ trình cổ phần hóa đến năm 2010 của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực được coi là nhạy cảm như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông và điện lực.

Việc tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thành công của Bảo Việt, Vietcombank trong thời gian gần đây cho thấy bước đi đúng đắn của lộ trình này.
2008 sẽ là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010.

Với đà phát triển kinh tế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 được đặt ra là là 8,5 - 9% và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% xuống còn 11-12%.

Để đạt được mục tiêu này, những giải pháp tài chính trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách tài chính công nhằm xây dựng một nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo quyền lực đủ mạnh để điều tiết vĩ mô nền kinh tế trong đó tập trung chủ yếu vào cải cách chính sách ngân sách nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cho phát triển kinh tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng đồng bộ, đơn giản, minh bạch và hiện đại và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của khu vực này, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện theo lộ trình Chính phủ đã công bố.

Bên cạnh đó, phương thức quản lý nguồn vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được thay đổi từ cơ chế hành chính sang cơ chế đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước thông qua tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.

Thứ ba, cải cách hệ thống tài chính nhằm phát triển hệ thống tài chính an toàn, lành mạnh và hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các lĩnh vực ngân hàng, khuôn khổ pháp lý thuộc Ngân hàng Nhà nước theo hướng ngân hàng trung ương hiện đại sẽ được hoàn thiện.

Đối với thị trường vốn, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo luật chứng khoán, phát triển các định chế trung gian, nghiệp vụ thị trường và phát triển thị trường giao dịch theo lộ trình đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển nhanh, đồng bộ, vững chắc thị trường vốn, phấn đấu giá trị vốn hóa đến năm 2010 đạt 50% GDP và 70% GDP vào năm 2020.

Ngoài ra, để đảm bảo phát triển ổn định thị trường, Chính phủ đang quyết định tập trung nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và bộ máy quản lý nhằm quản lý và giám sát có hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện tự do hóa thương mại và hàng hóa trong khuôn khổ WTO và các khu vực mậu dịch tự do trong khu vực như ASEAN, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản. Theo đó, cơ hội cho hàng hóa và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam ngày càng được mở rộng theo lộ trình đã cam kết.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính theo chương trình tổng thể đến năm 2010, tập trung vào việc sắp xếp, hoàn thiện bộ máy hành chính, tinh giảm số lượng các bộ từ 28 xuống còn 24 bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính trước hết vào những nơi, những việc vướng mắc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và nâng cao hiệu quả họat động của bộ máy hành chính.

“Việt Nam vẫn là một điểm đến của giới đầu tư”

(Ông Sammy Ho, Tổng giám đốc Euro Events)

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lên xuống trong năm 2007. Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực thị trường nợ, nâng cấp Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vào vận hành, ban hành thêm nhiều khuôn khổ pháp lý để thị trường vận hành trôi chảy, minh bạch...

Đây là những điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển mạnh trong năm 2008 và những năm tới.

Theo nhiều người mà tôi đã nói chuyện thì mặc dù thị trường tài chính Việt Nam năm qua có sự biến động mạnh, song họ vẫn có cái nhìn tích cực về thị trường Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2007 là tất yếu và lành mạnh. Sự điều chỉnh này có thể nói là hữu ích cho sự phát triển dài hạn của thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai. Chính vì vậy, họ sẵn sàng tham gia đầu tư, gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi điều kiện cho phép.

Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng thị trường trái phiếu công ty. Nhiều ngân hàng đang được chuẩn bị để hỗ trợ việc xây dựng kênh dẫn vốn như Standard Chartered và BNP Paribas. Thị trường trái phiếu công ty đang rộng đường để phát triển.

Thị trường đã đủ chín muồi, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam đã đủ lớn để Chính phủ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính sớm hơn lộ trình. Hơn thế nữa, nếu quyết định mở cửa thị trường sớm hơn lộ trình, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn và trở thành “điểm đến” của nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đang tiến hành các bước đi đúng đắn trong việc thu hút và hấp thụ vốn. Tính hấp dẫn của Việt Nam vẫn cao, thể hiện qua sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đối với trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ. Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng, VND cũng giống như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tăng giá trong dài hạn nhằm đối phó với lạm phát, Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp giảm tổng phương tiện thanh toán. Nếu điều này xảy ra thì đầu tư vào Việt Nam sẽ rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, với việc định giá hợp lý, các công ty cổ phần hóa luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt với những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn”.

“Thị trường trái phiếu có quy mô manh mún, nhân lực yếu”

(Ông Norikata Akamatsu, Chuyên gia tư vấn Phát triển thị trường vốn, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới)

“Thị trường trái phiếu Việt Nam còn một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, quy mô thị trường còn nhỏ bé và tính thanh khoản yếu. Ở các nước khác, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có vai trò khác nhau. Nhưng ở Việt Nam, sự khác biệt về vai trò này còn chưa rõ ràng, cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đều mang tính manh mún, tôi hy vọng là vấn đề này sẽ được giải quyết thời gian ngắn.

Cũng cần phải chú ý đến sự phân đoạn quá nhiều trong thị trường trái phiếu, dẫn đến sự mạnh mún về quy mô bởi vì dòng chảy luồng vốn sẽ tốt hơn, nếu thị trường Việt Nam có quy mô lớn hơn.

Rào cản thứ hai là hệ thống thang chuẩn để đánh giá và định mức tín nhiệm ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Vì thế, việc Chính phủ đưa ra những chuẩn mực của thị trường cũng có tác dụng to lớn và việc thực thi luật pháp của Chính phủ cũng rất quan trọng đối với việc phát triển thị trường.

Một hạn chế nữa là nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường cũng rất yếu kém. Vấn đề gặp phải trong quá trình phát triển thị trường vốn và tài chính ở Việt Nam đều được nhìn nhận rõ là khâu nhân lực. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức.

Theo tôi, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa có hoạt động đồng bộ và năng lực của Chính phủ cũng chưa đủ lớn nên Việt Nam sẽ phải mất vài năm để giải quyết được vấn đề này. Thêm vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn nhận rằng, chi phí niêm yết, phát hành trái phiếu là khá đắt đỏ so với các nước khác và Việt Nam cần cải thiện hơn nữa hệ thống giao dịch và hệ thống ký gửi.”