18:17 08/09/2022

Thích ứng với những đợt tăng giảm “giật cục” của xăng dầu

Anh Nhi

Dù có nhiều yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm song giá dầu thế giới sẽ tăng trở lại trong ngắn hạn khi mùa đông châu Âu sắp tới và vẫn giữ mức cao trong năm 2023…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/9, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động có các giải pháp và kịch bản ứng phó.

GIÁ DẦU “TỤT DỐC” NHƯNG VẪN Ở MỨC CAO

Sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra, giá dầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng đột biến khoảng 60% và đạt đỉnh của 14 năm vào tháng 3/2022, có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng.

Mặc dù vậy, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính tới ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 3/2022. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD / thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD / thùng. Mức giá này vẫn cao hơn so với những năm trước.

Trước những đợt tăng/giảm liên tục của giá dầu thô thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng có những đợt điều chỉnh tương ứng. Đáng chú ý, sau lần điều chỉnh giá ngày 5/9, lần đầu tiên trong lịch sử giá bán lẻ với dầu diesel lại đắt hơn giá xăng.

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 366 đồng/lít, xuống 23.359 đồng/lít; xăng RON95 giảm 439 đồng/lít còn 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đồng loạt tăng từ 1.389 - 1.429 đồng/lít, bán ra ở mức 25.188 - 25.445 đồng/lít, riêng diesel có giá 25.188 đồng/lít.

Mặc dù hiện tại giá nhiên liệu có phần giảm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Cụ thể, theo ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá dầu nhiều khả năng tăng trở lại trong quý 4/2022 do chịu tác động của nhiều yếu tố.

Thứ nhất, nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao vào mùa đông, đặc biệt là tại châu Âu.

Thứ hai, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu.

Thứ ba, nguồn cung đang tăng chậm lại khi các nước OPEC+ cắt giảm sản lượng để bảo vệ mức giá 100 USD/thùng.

Thứ tư, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nên khó có khả năng nước này tăng thêm nguồn cung sang châu Âu.

Thứ năm, căng thẳng Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga tăng mạnh.

Thích ứng với những đợt tăng giảm “giật cục” của xăng dầu - Ảnh 1

Vì vậy, với xu hướng biến động cùng chiều với giá dầu thế giới, ông Khôi cho rằng giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng cũng sẽ tăng nhẹ vào cuối năm và vẫn đứng mức cao trong năm 2023.

CẦN GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

Trước những đợt biến động khó lường của giá xăng dầu, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.

Tuy nhiên, để có thể thích ứng với những đợt tăng/giảm “giật cục” của thị trường, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc các công cụ điều hành như thế giới đối với mặt hàng này.

“Trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn”, ông Dũng nói.

Theo đó, đại diện MXV kỳ vọng Chính phủ sớm đồng bộ các chính sách của các bộ, ban, ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả.

“Với tư cách là hội viên của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong hiệp hội quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả,” ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Còn theo ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng.

Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, đại diện Idenmitsu Kosan dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.

“Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”, ông Kenya nhận định.

Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logisitics Việt Nam (VLA), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics khi chi phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

Trong giai đoạn xăng dầu tăng giá, đặc biệt là khi giá cước vận tải quốc tế tăng 5-6 lần, cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, VIMC thực hiện 2 giải pháp chính.

Đó là, điều chỉnh lại công tác quản trị và định mức nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu và đẩy mạnh các biện pháp thương mại, các đơn vị doanh nghiệp logistic ngoài tìm kiếm lợi nhuận, còn có vai trò hỗ trợ hàng hoá lưu thông và không để xuất nhập khẩu quá mạnh.

“Đặc biệt, chúng tôi sử dụng các phương án kinh doanh linh hoạt hơn, tìm kiếm giải pháp thay thế như kết nối đường sắt, các tuyến đường kết nối trực tiếp để giảm chi phí”, ông Trung nhấn mạnh.