17:57 04/07/2022

Thông tin xung quanh kết luận thanh tra số 39 từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng

Phan Nam

Bộ Xây dựng vừa thông tin tới báo chí về công tác di dời các cơ quan khỏi nội thành Hà Nội. Trong đó cho biết, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra số 39/KL – TTr sau khi thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án, công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính...

Theo kết luận trên, đa số các dự án tại các khu vực trên đã được UBND và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội điều chỉnh sai quy định, chuyển chức năng từ toà nhà văn phòng, không gian công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán. Đồng thời, được nâng tầng cao theo cấp số nhân, tăng số lượng căn hộ, nhồi nhét thêm dân số. Từ đó gây áp lực lớn lên hạ tầng khu vực này.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến kết luận của thanh tra Xây dựng, tại cuộc họp báo chiều 1.7, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội bày tỏ: nhiều tuyến đường hướng vào trung tâm TP.Hà Nội không có nhiều nhà cao tầng như tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu nhưng vẫn ùn tắc. Lưu lượng giao thông tăng đột biến ở đầu sáng, cuối chiều chứng tỏ lượng phương tiện giao thông ngoại thành vào thành phố rất lớn.

Điều này trong quy hoạch chung đã tính đến, có giải pháp đưa ra để từng bước khắc phục như di dời các trường đại học, bệnh viện lớn, cơ quan Trung ương trong nội đô ra ngoài để không thu hút người vào trong thành phố...

“Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời các cơ quan ra ngoài thành phố, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Do vậy, việc các cơ quan chưa di dời cũng là một trong các nguyên nhân gây ùn tắc các trục đường hướng tâm, trong đó có đường Lê Văn Lương - Tố Hữu”, ông Tuyến nêu quan điểm.

Tại các dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, việc chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, diện tích sàn… diễn ra khá phổ biến.
Tại các dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, việc chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, diện tích sàn… diễn ra khá phổ biến.

Với phản ánh trên của lãnh đạo Sở quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết, Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành và UBND TP. Hà Nội cùng nhiều Bộ, ngành, đơn vị khác.

Cụ thể, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ lập danh mục, cụ thể hoá tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo Quy hoạch.

 Bộ Tài chính được giao xây dựng cơ chế chính sách về tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất có hiệu quả, đảm bảo theo tiến độ và lộ trình di dời của thành phố Hà Nội và từng Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành tại địa điểm mới bảo đảm tính khả thi.

Còn UBND thành phố Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời; đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Về phía Bộ Xây dựng, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5089/VPCP-CN ngày 27/7/2021thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về kết quả cuộc thi tuyển; Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã có Quyết định số 948/QĐ-BXD ngày 20/8/2021 của công bố kết quả thi tuyển.

Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022, làm cơ sở triển khai các bước đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.