Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 1
Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 2

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, ngành bán dẫn toàn cầu đang được định hình thế nào, thưa ông?

Trong những năm qua, một lượng tiền cực lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ USD đã được các quốc gia, doanh nghiệp đổ vào hệ sinh thái bán dẫn, từ khai thác, tuyển lựa, chế biến khoáng sản đến nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm cung ứng và chip thành phẩm.

Theo đó, hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu trở nên rất đa dạng và đang có sự cạnh tranh và phân chia rõ ràng giữa các khu vực chính.

Tại Đài Loan, TSMC đang nổi lên là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới với khoảng 56% thị phần toàn cầu trong sản xuất chip 5nm và 3nm cung cấp cho các khách hàng lớn như Apple, Qualcomm và AMD. TSMC dự kiến đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm để mở rộng năng lực sản xuất và nâng cao công nghệ chế tạo chip tiên tiến.

Tại Hàn Quốc, Samsung cũng đang là một trong nhà sản xuất chip hàng đầu khác, nổi bật với công nghệ DRAM và NAND flash. Samsung hiện chiếm khoảng 43% thị phần toàn cầu trong DRAM và 35% trong NAND flash. Công ty này đang lên kế hoạch đầu tư 230 tỷ USD trong 5 năm tới để phát triển bán dẫn tiên tiến, bao gồm công nghệ 3nm và 2nm.

Tại Mỹ, Intel và NVIDIA cũng là hai nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Trong đó, Intel là nhà sản xuất vi xử lý hàng đầu với thị phần chiếm khoảng 15% thị trường chip toàn cầu. Tuy nhiên, công ty này đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ TSMC và Samsung trong lĩnh vực công nghệ 7nm và 5nm. Trong khi đó, NVIDIA, nổi bật với GPU và AI, với khoảng 20% thị phần trong thị trường GPU, với doanh thu đạt 26,9 tỷ USD trong năm tài chính 2024.

Tại châu Âu, Infineon, STMicroelectronics và ASML là những doanh nghiệp thuộc top đầu. Trong đó, Infineon là nhà sản xuất chip cho ô tô lớn nhất thế giới, với doanh thu đạt 13,2 tỷ USD trong năm tài chính 2023 và chiếm 20% thị phần toàn cầu trong chip ô tô.

STMicroelectronics có doanh thu 14,2 tỷ USD trong năm 2023 và tập trung vào các lĩnh vực ô tô và IoT. Còn ASML, nhà sản xuất thiết bị EUV, chiếm gần như độc quyền trong việc cung cấp thiết bị cho công nghệ sản xuất chip 7nm và 5nm, với doanh thu 18,6 tỷ USD trong năm 2023.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 3

Với định hình như vậy, cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn là như thế nào, thưa ông?

Dưới tác động của các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid – 19, xung đột quân sự Nga và Ukraine… chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sản xuất.

Do đó, các quốc gia trên thế giới đều tích cực đầu tư cũng như thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để có thể tự chủ, gia tăng giá trị sản xuất và vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố đạo luật chip với nguồn tài trợ lên tới hàng chục tỷ USD nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất chip tại khu vực này. Mỹ cũng thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS nhằm lôi kéo doanh nghiệp cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi cung ứng.

Các thị trường mới nổi khác cũng đang cố gắng thâm nhập vào ngành công nghiệp này khi Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành trung tâm chip bán dẫn toàn cầu, Trung Quốc cũng tham vọng tự chủ được chip, Hàn Quốc thì dành nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất chip trong nước trong khi Nhật Bản đang nỗ lực vực dậy nền công nghiệp bán dẫn.

Trong làn sóng chuyển hướng đặt cơ sở sản xuất bán dẫn, châu Á được xem là một trong những địa điểm lý tưởng và Việt Nam đang là cái tên được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 4

Vậy, làm thế nào để Việt Nam có thể tham gia vào các khâu đó, thưa ông?

Về lý thuyết, Việt Nam có thể tham gia vào các công đoạn của chuỗi cung ứng như thiết kế, đóng gói và kiểm thử và đất hiếm. Tuy nhiên, xét theo từng công đoạn, lại có nhiều thách thức.

Về lĩnh vực thiết kế chip, Việt Nam đang xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư và xây dựng các phòng lab tiêu chuẩn tại 18 trường đại học.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng, việc đào tạo kỹ sư bán dẫn không thể làm ngay trong một sớm một chiều mà cần thời gian từ 2-3 năm để đào tạo một kỹ sư ra trường và làm được việc. Trong khi đó, nguồn giáo viên đào tạo kỹ sư ở trong nước lại hạn chế. Vì vậy, Việt Nam có thể cân nhắc thu hút các chuyên gia người nước ngoài cũng như người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy trong nước. Tuy vậy, việc thu hút chuyên gia về Việt Nam để giảng dạy và chuyển giao công nghệ đang gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc trong chính sách lương và chế độ đãi ngộ.

Về kiểm thử và đóng gói, Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn với các quốc gia trong ASEAN, đặc biệt là Malaysia và Indonesia… Malaysia đã đưa ra chính sách ưu đãi ngành bán dẫn, trong đó có khoản hỗ trợ trị giá 3-5 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những chiến lược cụ thể đáng kể nào.

Nếu không đẩy nhanh việc thu hút đầu tư và tham gia vào công đoạn này trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thì những công ty lớn liên quan tới sản xuất chip (foundry) có khả năng sẽ định hình được chuỗi cung ứng. Do đó, Việt Nam sẽ mất cơ hội gia nhập công đoạn này trong chuỗi sản xuất bán dẫn.

Về đất hiếm, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có nguồn đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, công nghệ khai thác rất phức tạp và chỉ tập trung trong một số nước như Mỹ, Canada và Trung Quốc. Các quốc gia này thường giữ độc quyền công nghệ và đưa ra các điều kiện khắt khe trong hợp tác. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng bài toán chiến lược lâu dài để có thể tận dụng những lợi thế sẵn có.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 5

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gia tăng, theo ông, Việt Nam nên thu hút các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn như thế nào?

Rất nhiều quốc gia trong khu vực đang áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí xây dựng nhà xưởng cho các công ty bán dẫn. Vì vậy, nhiều “đại bàng” công nghệ tới Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư thời gian qua đã đặt ra câu hỏi này. Song đến thời điểm này, dường như chúng ta chưa có câu trả lời cho họ.

Ngoài ra, giống như những ngành công nghệ khác, các doanh nghiệp bán dẫn cũng có những yêu cầu về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cung cấp điện, nước… Trong đó, yêu cầu về điện và nước là đặc biệt khắt khe để quá trình sản xuất, vận hành nhà xưởng được đảm bảo và thông suốt.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 6

Như ông vừa chia sẻ, để “lấp” khoảng trống về giáo viên đào tạo kỹ sư bán dẫn, Việt Nam có thể kêu gọi các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài. Vậy trong việc thu hút đầu tư thì sao, thưa ông?

Kiều bào được coi là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin đầu tư và thủ tục hành chính tại Việt Nam. Do vậy, cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào về đầu tư và làm việc tại Việt Nam, như đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ về nhà ở, giáo dục con cái…

Về tổng thể, cần xây dựng mạng lưới các chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu để cùng thảo luận về định hướng, chiến lược và cách thức hành động cho Việt Nam. Hiện tại, chúng ta mới tập trung vào mảng thiết kế và chủ yếu tiếp xúc với các chuyên gia tại Silicon Valley mà chưa tập trung vào những công đoạn khác hay thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Đức…

Hơn nữa, cần nhìn nhận rằng chiến lược bán dẫn là chiến lược quốc gia, do vậy không chỉ cần chuyên gia về bán dẫn mà cần cả những chuyên gia về tài chính, đầu tư, nhân lực hay phát triển bền vững… để cùng giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu mới đây: “Về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột”, thì Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra thông điệp cụ thể, để “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư vào Việt Nam.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 7

VnEconomy 26/08/2024 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2024 phát hành ngày 26/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Giải bài toán tổng thể chứ không chỉ là cục bộ - Ảnh 8