Thu hút FDI giảm nhẹ trong 4 tháng đầu năm
Không có dự án quy mô khủng được cấp phép trong tháng 4/2021, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ...
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: tính đến 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.
VỐN GIẢI NGÂN GIỮ ĐƯỢC ĐÀ TĂNG
Như vậy, đà tăng thu hút FDI 3 tháng đầu năm đã không được duy trì. Việc thiếu vắng những dự án “tỷ đô”, dự án có quy mô khủng lên tới vài tỷ USD được xem là nguyên nhân chính khiến thu hút vốn FDI 4 tháng đầu năm quay đầu giảm.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng con số thu hút FDI của Việt Nam tính đến thời điểm này là khả quan, nhất là trong bối cảnh vốn FDI đổ vào một số quốc gia khác có sự suy giảm mạnh.
Sự khả quan, theo đánh giá của chuyên gia, không chỉ ở số vốn đăng ký mà ở cả vốn giải ngân. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn giải ngân vẫn giữ được đà tăng, khi đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Một điểm đáng lưu ý trong khi số lượng dự án đăng ký giảm mạnh thì nguồn vốn đăng ký vẫn tăng khá, chứng tỏ quy mô của những dự án FDI đã được nâng lên. Cụ thể, sau 4 tháng năm 2021, có 451 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 54,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD (tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020). Tính trung bình quy mô vốn đầu tư/dự án là khoảng 18 triệu USD/dự án, tăng mạnh so với mức 6,9 triệu USD/dự án của cùng kỳ 4 tháng năm 2020.
Tương tự, mặc dù tổng vốn đăng ký tăng thêm của 263 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư đạt 2,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ song quy mô vốn dự án điều chỉnh cũng tăng từ 9,2 triệu USD/dự án lên 10,4 triệu USD/dự án.
Theo nhiều chuyên gia, đây là tín hiệu khả quan trong việc Việt Nam đã chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút đầu tư nước ngoài để phục vụ phát triển trong nước, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài nhất là trong bối cảnh luồng vốn đầu tư dịch chuyển trên thế giới ngày một gia tăng.
VẪN CÒN ĐIỂM XÁM
Mặc dù có nhiều điểm tích cực song theo các chuyên gia thu hút FDI vẫn có điểm màu xám. Bởi nếu trừ đi loạt “đại dự án” như Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) (3,1 tỷ USD); Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (1,31 tỷ USD); Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn (750 triệu USD) và Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (498 triệu USD), quy mô các dự án mới đổ vào Việt Nam chỉ khoảng 2,3 triệu USD/dự án. Điều này có nghĩa rằng các dự mới đổ vào Việt Nam vẫn chủ yếu là những dự án có quy mô nhỏ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ tư vấn... Do đó, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI vẫn sẽ có nhiều hạn chế.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy hai lĩnh vực thu hút vốn ngoại nhiều nhất trong năm nay là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện khi lần lượt chiếm 42,4% và 41,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Không chỉ vậy, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm với mức xuất siêu gần 14,4 tỷ USD. Một mặt khu vực này tiếp tục có những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng mặt khác lại đem đến những rủi ro cho nền kinh tế khi tăng trưởng của Việt Nam quá phụ thuộc vào hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cũng về góp vốn, mua cổ phần, sau 4 tháng có 1.151 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 64,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 1 tỷ USD (giảm 57,8% so với cùng kỳ). Sự sụt giảm này là do những trở ngại do Covid-19 khiến các cuộc đàm phán, thương lượng M&A kéo dài và khó đưa ra quyết định cuối cùng của nhà đầu tư nước ngoài hơn là ra quyết định đầu tư mới.
HƯỚNG TỚI DỰ ÁN FDI CÓ CHẤT LƯỢNG
Mặc dù còn quá sớm để đưa ra nhận định về sự cải thiện của dòng vốn FDI trong năm 2021 khi sự dịch chuyển luồng vốn đầu tư thế giới vẫn còn nhiều rủi ro, song theo nhận định của các tổ chức uy tín quốc tế, Việt Nam vẫn là điểm đến được lựa chọn.
Theo chia sẻ của ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, trong số các nước JETRO đã khảo sát, số lượng cụm từ như thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn gần như không xuất hiện ở Việt Nam. “Việc này cho thấy sức mạnh của Việt Nam trong thu hút FDI khi đây là thị trường tăng trưởng tiềm năng”, ông Takeo bình luận.
Theo chia sẻ của ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, trong số các nước JETRO đã khảo sát, số lượng cụm từ như thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn gần như không xuất hiện ở Việt Nam.
Tuy vậy, để đón được làn sóng FDI chất lượng, ông Takeo cho rằng những yếu tố nền tảng cần phải được chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của nhà đầu tư trong sự dịch chuyển này.
Theo kiến nghị của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan, về thuế, bảo hiểm xã hội, chất lượng nguồn nhân lực... từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
“Bởi trong cuộc đua thu hút những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, sự cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt. Chỉ có những yếu tố vượt trội mới giúp Việt Nam thắng thế trong cạnh tranh”, ông Lộc nhấn mạnh.