09:46 16/05/2025

Khắc phục khó khăn công trình nâng cấp cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Hoài Niệm

Dự án nâng cấp mặt đường tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang trong trong giai đoạn nước rút, trong đó, một số vấn đề khó khăn, tồn tại đang được khẩn trương khắc phục như nguồn đá, cát vật liệu, phương án bảo đảm an toàn trong thi công…

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được nâng cấp và đưa vào khai thác như đường cao tốc giúp rút ngắn thời gian đi/ đến giữa các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Châu Anh
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được nâng cấp và đưa vào khai thác như đường cao tốc giúp rút ngắn thời gian đi/ đến giữa các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Châu Anh

Tin từ Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư, cho biết ngày 14/5, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã chấp thuận việc phân bổ nguồn đá Antraco cho dự án nâng cấp mặt đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 có tổng chiều dài 51,5 km, rộng nền đường 17 m, quy mô 4 làn xe đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 01/2021, là dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay hơn 4.500 tỷ (khoảng 200 triệu USD), và vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.

Công trình có điểm đầu tại Km02+104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, kết nối với đường dẫn cầu Vàm Cống; điểm cuối tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, kết nối với tuyến tránh thành phố Rạch Giá.

Sau thời gian khai thác, tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã ổn định lún và đủ điều kiện để thảm bêtông nhựa mặt đường, nhằm tăng cường độ êm thuận cho các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, đo đặc điểm thổ nhưỡng, nền đất vùng đồng bằng và do mặt đường hiện hữu là mặt đường quá độ nên một số vị trí mặt đường xuất hiện các khiếm khuyết như ổ gà, bong tróc, gợn sóng, xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình.

Tháng 8/2024, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ  - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng. Dự án do Ban Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là liên danh nhà thầu xây lắp Công ty cổ phần Hải Đăng - Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn, cùng đơn vị tư vấn giám sát, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2025, sau 16 tháng thi công.

Theo Ban Mỹ Thuận, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường cho công trình gồm cát đắp nền khoảng 530.000 m3, đá xây dựng các loại khoảng 136.800 m3. Đến nay, đá vật liệu đã huy động về công trường khoảng 37.500 m3 từ các mỏ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, còn thiếu khoảng 99.300 m3. Các đơn vị đang khai thác mở đá tại Đồng Nai cam kết sẽ cung cấp khoảng 28.000 m3 đá. Đối với cát san lấp, đắp nền, tính lũy kế đến thời điểm hiện tại đã khai thác được khoảng 260.000 m3, chiếm 50% tổng nhu cầu.

Với việc chủ động tìm nguồn vật liệu cát, đá phục vụ công trình của đơn vị thi công, nhà thầu, cùng sự hỗ trợ của các địa phương, sự đôn đốc phối hợp tháo gỡ của chủ đầu tư, công trình hy vọng sẽ hoàn thành trong năm 2025 theo kế hoạch đề ra.

Về tiến độ, chủ đầu tư cho biết hiện công trình đang trong giai đoạn vừa nâng cấp vừa khai thác, tất cả các hạng mục đều được thi công đồng loạt gồm cầu vượt, cào móc tái chế mặt đường, thảm nhựa… Trên suốt đoạn tuyến, nhiều vị trí đã được đào lên để lắp cống thoát làm ảnh hưởng đến lưu thông, gây mất an toàn cho lái xe, người dân.

Trước tình hình đó, Ban Mỹ Thuận đã yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương kiểm tra, khắc phục các tồn tại này, đồng thời điều chỉnh phương án lưu thông , phân luồng sao cho khoa học, phù hợp, vừa không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vừa bảo đảm tiến độ thi công của công trình.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là dự án kết nối trục ngang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khi nâng cấp và đưa vào khai thác như đường cao tốc giúp rút ngắn thời gian đi từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang từ 90 phút xuống còn 50 phút, tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan đến Việt Nam.