Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Chính sách thu hút FDI phải đổi mới mạnh mẽ
Chính sách thu hút FDI thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ sang tư duy chủ động, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu...
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội”, ông Bùi Thanh Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mong muốn chính sách thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội và phát huy lợi thế của riêng mình.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc Đổi mới.
Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện nhiều chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và đến nay thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
ĐÓNG GÓP CỦA KHU VỰC KINH TẾ CÓ VỐN FDI LÀ ĐÁNG TRÂN TRỌNG
Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư lâu dài và gặt hái thành công ở Việt Nam.
Ngay cả khi kinh tế thế giới và Việt Nam bị tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu hút FDI vẫn duy trì kết quả khả quan, phản ánh niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI là rất đáng trân trọng, song thực tế cho thấy việc thu hút, quản lý đầu tư FDI ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế.
Đó là, đầu tư FDI gắn với công nghệ cao còn ít; liên kết với các khu vực kinh tế trong nước thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ còn hạn chế. Nhiều dự án FDI có hiệu quả thấp, thiếu bền vững, chưa tuân thủ nghiêm túc các chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính, lao động, công nghệ, môi trường...
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với thu hút FDI, nhất là tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao, sản xuất thông minh...
HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ MỌI NGUỒN LỰC
Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu, tầm nhìn phát triển đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Việt Nam phải tăng trưởng nhanh và bền vững, liên tục với tốc độ 6,5-7%/năm trong 10-20 năm tới. "Muốn vậy, một trong những điều kiện tiên quyết là phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển, trong đó vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thành tựu về thu hút FDI trong 35 năm qua là những bài học quý báu, cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội và phát huy lợi thế của riêng mình là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục vươn lên.
Theo Bộ trưởng, chính sách thu hút FDI thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ sang tư duy chủ động, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam cần phát huy động lực phát triển mạnh mẽ từ việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ nguồn nhân lực trẻ năng động, sáng tạo với tinh thần khởi nghiệp, từ khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, từ phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, từ sức mạnh thị trường trong nước đang bước vào ngưỡng thu nhập bùng nổ tiêu dùng, từ hội nhập quốc tế sâu rộng với mạng lưới FTA rộng mở với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới...
"Chúng tôi tin rằng, các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ nắm bắt tốt các cơ hội lớn từ khơi thông những động lực phát triển này để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ cùng đất nước", Bộ trưởng cho biết.
TIẾP TỤC NẮM BẮT THỜI CƠ VÀ VẬN HỘI
Nhiều năm qua, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trụ cột của ngành Ngoại giao, trong đó hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Phát huy mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện trên khắp các châu lục, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao giao cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng và toàn diện, ngành ngoại giao sẽ phát huy vai trò tiên phong trong kết nối các địa phương và doanh nghiệp với các xu thế phát triển lớn của thế giới, cùng quý vị nắm bắt các thời cơ và vận hội để thực hiện khát vọng vươn lên của đất nước.
Thông qua Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển năm 2021, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hy vọng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.