11:00 12/07/2007

Thực giá tivi phẳng là bao nhiêu?

Thị trường có trên 20 loại tivi phẳng được bán với giá khá rẻ. Khác nhãn hiệu, nhưng chúng có cùng xuất xứ linh kiện từ Trung Quốc

Giá thành của một chiếc tivi 21 inch khoảng 61,5 USD, tính cho đơn hàng mua thiết bị với số lượng 1.000 chiếc.
Giá thành của một chiếc tivi 21 inch khoảng 61,5 USD, tính cho đơn hàng mua thiết bị với số lượng 1.000 chiếc.
Thị trường có trên 20 loại tivi phẳng được bán với giá khá rẻ. Khác nhãn hiệu, nhưng chúng có cùng xuất xứ linh kiện từ Trung Quốc.

Giá rẻ?

Giá tivi phẳng 21 inch hiệu SAM do công ty Đông Á (Bình Dương) giao cho đại lý ở mức 1,035 triệu đồng khiến giới sản xuất tivi trong nước bình luận là “mang tính đột phá”. Đây là mức giá thấp nhất trên thị trường ở thời điểm này trong dòng 21 inch.

Theo thông tin từ ông Trần Văn Sâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đông Á, tivi này sử dụng bóng đèn hình của liên doanh LG Philips, mainboard được nhập từ một công ty Trung Quốc đóng tại Thẩm Quyến và IC của Toshiba. Giá bán rẻ, theo lời giải thích của ông Sâm, là nhờ nhập linh kiện số lượng lớn và vỏ máy được sản xuất trong nước.

Hiện nay, dây chuyền lắp ráp của công ty Đông Á, mỗi tháng có thể xuất xưởng 50.000 chiếc. “Nếu tình hình tiêu thụ loại 21 inch khả quan, tháng 10 năm nay, Đông Á sẽ sản xuất tivi 29 inch”, ông Sâm cho biết.

Thị trường tiêu thụ chính của loại tivi này là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền tây Nam bộ. Theo ông Sâm, chính sách bảo hành của Đông Á là đổi mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua, nếu sản phẩm bị lỗi kỹ thuật. Thời gian bảo hành cho loại tivi này là 24 tháng.

Giá thành: 900.000 đồng

Một chuyên gia có thâm niên hơn 20 năm trong ngành sản xuất điện tử cho biết, giá thành của một chiếc tivi 21 inch khoảng 61,5 USD, tính cho đơn hàng mua thiết bị với số lượng 1.000 chiếc.

Theo tính toán cụ thể, đèn hình LG Philips có giá 26 USD, IC Toshiba vào khoảng 30 USD. Khấu hao dây chuyền, cộng với chi phí điện, nước khoảng từ 1-2 USD. Công lắp ráp khoảng 1,5 USD.

“Thường thì chủ hàng Trung Quốc dùng chính sách giảm % theo số lượng đặt. Với lô hàng cỡ 10.000 chiếc, giá có thể giảm được 5%”, vị này cho biết. Tính ra, giá thành 1 chiếc tivi khoảng 900.000 đồng.

“Xét về bài toán giá thành, giá trên hợp lý nhờ cắt giảm chi phí thiết kế, tiền lương nhân viên nghiên cứu, thiết kế, cũng như chi phí thiết lập mạng lưới bảo hành”, vị chuyên gia điện tử cho biết. Thực tế cho thấy, người mua tivi SAM sẽ phải đổi ở đại lý bán, trong khi chờ đợi trung tâm bảo hành loại tivi này ra đời. Mức giá trên cũng chưa tính tới chi phí quảng cáo hay bảo hành.

Theo thông tin của giới kinh doanh nhóm hàng tivi màn hình CRT, thị phần của tivi màn hình phẳng hiện nay chiếm 80% thị trường tivi, trong đó chủ yếu là sản phẩm của các thương hiệu lớn như Sony, Samsung, LG với giá từ 1,5-2 triệu đồng. Mức giá này còn giảm hơn khi có chương trình khuyến mãi.

Như vậy, trong thời gian 1,5 năm, giá tivi 21 inch phẳng đã giảm 50% so với giá ban đầu.

Câu chuyện mua và dán nhãn

Với dân sản xuất và cung cấp hàng cho chợ điện tử Nhật Tảo, dạng tivi trên không có gì bất ngờ khi họ luôn nhận được các chào mời từ chủ hàng Trung Quốc. Một nhà sản xuất cung cấp tivi cho chợ Nhật Tảo cho biết, đơn vị của ông cũng đưa ra loại tivi tương tự. “Thay vì dùng đèn hình LG Philips, tôi chi thêm khoảng 3 USD để dùng bóng đèn Samsung”, ông này nói.

Ở thị trường miền Bắc, thống kê sơ bộ, có khoảng 20 nhãn hiệu tivi giá rẻ, từ các nhà sản xuất ít tên tuổi. Giá bán từ 1,2 triệu tới 1,3 triệu đồng, các tivi loại này có chung xuất xứ linh kiện từ Trung Quốc.

Giới sản xuất chỉ lấy làm lạ khi người này không thể dứt ra khỏi ngành này, thì lại có người mới xuất hiện. Lợi nhuận của một tivi, tuỳ theo thương hiệu, ở mức từ vài chục ngàn tới 100.000 đồng.

Ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật của Công ty Sơn Ca cho biết, thị trường tivi của Việt Nam vẫn có tiềm năng. “Mức độ tiêu thụ hiện nay ở Việt Nam là 1,5 triệu tivi/năm, trong khi của thế giới là 200 triệu cái. Xét theo dân số, thì Việt Nam bằng khoảng 1,4% của thế giới, nhưng tiêu thụ tivi chỉ ở mức 0,75%”, ông phân tích.

Tuy thị trường có tiềm năng, nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, nên các hãng sẽ không đầu tư nhiều cho sản xuất tivi phẳng. Trong lĩnh vực sản xuất tivi bóng đèn hình hiện nay, công nghệ hầu như trở thành tiêu chuẩn, nên sự khác biệt giữa các hãng chủ yếu là tên tuổi của hãng sản xuất. “Năm 1998, Sony đưa ra công nghệ đèn hình siêu phẳng, thì sau đó 2 năm, Trung Quốc cũng có công nghệ tương tự”, ông Chính nói.

Theo nhận xét của giới sản xuất, hàng điện tử Việt Nam ngày càng “liên thông” với hàng Trung Quốc, từ công nghệ cho tới linh kiện. Với mức độ hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế toàn cầu như hiện nay, việc sản xuất các mặt hàng công nghệ đã ở “mức tiêu chuẩn” như tivi phẳng, chỉ là câu chuyện mua và dán nhãn.