Thưa ông, phòng chống cháy nổ luôn được nhắc nhở nhưng thật đáng tiếc khi vụ cháy xảy ra rồi, gây thiệt hại về người, của cải thì chúng ta mới thấy có quá nhiều lỗ hổng đáng lo ngại, trong đó có vấn đề sử dụng kỹ năng thoát hiểm. Với tình huống cháy nhà chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, cháy từ tầng dưới lên… thì các hộ, người dân cần phải làm gì, áp dụng kỹ năng gì để có thể bình tĩnh, sáng suốt tìm lối thoát hiểm?
Ở đây cần nhận biết tính chất đám cháy. Quả thật rất khó để tìm ra phương án tốt nhất khi rơi vào hoàn cảnh với sự tập trung nhiều yếu tố khó khăn như vậy. Tính chất đám cháy lớn sinh ra nhiều khí độc, khói, tro bụi và nhiệt độ cao. Đồng thời, lối thoát nạn chính duy nhất ở tầng 1 đã không thể sử dụng khi đám cháy bùng phát lớn, không gian chật hẹp với nhiều người, không có phương án thoát nạn dự phòng, các phương án, thiết bị chưa có sự chuẩn bị. Lúc này, sự hoảng loạn là rất khó kiểm soát, nhưng chúng tôi cũng xin đưa ra đề xuất các bước thực hiện trong hoàn cảnh nguy hiểm như vậy.
Một, người dân cần bình tĩnh thông báo, gọi điện tới lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ qua số điện thoại 114.
Hai, tìm cho mình một phương án thoát nạn, khu vực lánh nạn hiệu quả như: di chuyển theo hướng ban công, lô gia, thoát lên mái nhà để đảm bảo hạn chế sự tác động tới cơ quan hô hấp và cơ thể.
Ba, khi di chuyển phải đeo mặt nạ phòng độc, khăn tẩm ướt, hoặc dùng tay bảo vệ cơ quan hô hấp, hạ thấp cơ thể di chuyển men theo tường. Trong trường hợp cần mở cửa hãy dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt, lúc mở cửa cần tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu lửa cháy quần áo thì hãy nằm xuống sàn nhà lăn qua, lăn lại cho tới khi lửa tắt.
Bốn, trong trường hợp không thể thoát ra ngoài thì hãy dùng khăn, vải thấm nước, băng dính chèn bịt khe cửa, di chuyển ra ban công, cửa sổ gọi to hoặc dùng đèn pin, đồ vật sáng màu ra hiệu cấp cứu. Lưu ý, nếu tầng bị cháy bên dưới tầng mình đang ở thì di chuyển lên trên các tầng bị cháy khoảng 4 tới 5 tầng.
Trong hoàn cảnh không thể tìm đường thoát nạn thì việc trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, sự chuẩn bị phương án, thiết bị và tập luyện cùng với bản lĩnh của từng người sẽ cho chúng ta sự bình tĩnh trước tình huống khó khăn như vậy. Phương án đưa ra lúc này là làm sao càng ít hít phải khí độc, khói, tro bụi cùng với việc ít chịu tác động về nhiệt độ sẽ giúp chúng ta càng kéo dài được thời gian chịu đựng.
Như vậy, nguyên tắc tối ưu là làm sao bảo đảm cơ quan hô hấp của mình ít hít phải khí độc, khói, tro bụi nhất có thể. Vậy ông có thể nhắc lại các kỹ năng cơ bản cho từng người, cho cả nhóm người khi không thể thoát theo lối cầu thang mà phải quay lại căn phòng của mình - kỹ năng cố thủ trong phòng để chờ cứu hộ? Kỹ năng ngăn khói xộc vào phòng, thưa ông?
Nếu rơi vào trường hợp buộc phải cố thủ trong phòng, thì tất cả các phương án và giải pháp đưa ra đều phải tuân thủ việc hạn chế tối đa có thể sự xâm thực của hỗn hợp khí cháy tác động xấu tới cơ quan hô hấp và toàn bộ cơ thể, tránh các vật thể rơi, đổ sập vào người, phòng tránh an toàn điện nếu sàn nhà ngập nước…
Cụ thể là sử dụng băng dính, khăn, vải vật tẩm ướt bịt kín các khe hở có nguy cơ khói lọt vào phòng. Dùng mặt nạ phòng độc, khăn vải thấm nước, nếu không có thì dùng tay để bảo vệ đường thở. Hạ thấp cơ thể để giảm thiểu tác động do khói và khí độc, nhiệt độ cao tích tụ ở phía trên. Tìm thêm các vị trí để tránh sự tác động của khí độc, khói và nhiệt độ. Ra tín hiệu ứng cứu tại ban công cửa sổ bằng vật thể sáng màu dễ phát hiện.
Thực tế, vụ cháy nhà chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội có nhiều tình huống có vẻ phi khoa học nhưng lại giúp họ thoát chết ví dụ như chui vào tủ quần áo. Việc chui vào tủ quần áo hay chui vào nhà vệ sinh cần phải chú ý đến điều kiện gì? Ông có thể phân tích các điều kiện, tình huống khi thực hiện biện pháp chui vào tủ để thoát khói.
Nên nhớ, khi đám cháy bùng phát thì nhiệt độ và áp suất ở trong nhà sẽ tăng nhanh và thoát ra ngoài theo các hướng khi có khoảng hở và sự chênh áp. Hỗn hợp khí cháy tạo thành dòng chảy len lỏi vào các không gian và thoát ra ngoài theo hướng ban công, lô gia, cửa sổ với thành phần bao gồm: khí độc, khói, bụi tro và hỗn hợp khí có nhiệt độ cao. Sự xâm thực của hỗn hợp này cũng sẽ làm giảm lượng oxy bên trong nhà.
Trong trường hợp này chúng ta không thể chọn vị trí trực diện hoặc đứng gần khu vực bị ảnh hưởng mà phải bằng cách nào đó tránh xa nhất có thể. Việc vào nhà tắm với cửa có khả năng ngăn khói, có cửa sổ hướng ra ngoài cũng có thể bổ sung oxy và phương án liên lạc ra bên ngoài. Vị trí phòng tắm chịu ảnh hưởng ở mức thấp từ dòng chảy hỗn hợp khí cháy cũng là sự lựa chọn hiệu quả.
Việc chui vào tủ quần áo để tận dụng lượng không khí sót lại trong tủ cùng với việc giảm ảnh hưởng, tác động xấu từ nhiệt độ, góp phần tăng thêm thời gian chịu đựng chỉ là giả pháp tức thời, có tác dụng trong thời gian ngắn để có thêm cơ hội nhận được sự trợ giúp từ lực lượng cứu hộ bên ngoài.
Tùy thuộc vào từng đám cháy, kết cấu công trình, thời điểm và đối tượng bị tác động sẽ có được các phương án ẩn náu tại các vị trí với các hiệu quả khác nhau. Để có được phương án hiệu quả đòi hỏi người dân phải trang bị cho mình những hiểu biết, kỹ năng về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cần được luyện tập một cách nghiêm túc tới các thành viên. Vụ việc hiếm hoi xuất hiện ở vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội đã góp phần minh chứng thêm cho hướng suy luận này.
Thưa ông, ngạt khói làm cho người chết rất nhanh, vậy các gia đình có cần thêm mặt nạ chống ngạt khói không? Trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân có gia đình đã sử dụng thang dây để thoát hiểm. Vậy thang dây hay dụng cụ gì cần phải trang bị thêm cho mỗi căn hộ?
Việc hít phải khí độc, khói, bụi tro hoặc hỗn hợp khí có nhiệt độ cao sẽ gây sốc phản xạ và tổn thương cho hệ hô hấp, có thể gọi là ngạt khói. Nạn nhân thường bị ngạt khí độc trước khi ảnh hưởng từ nhiệt độc nên việc trang bị mặt nạ phòng độc trong các gia đình tới từng thành viên là điều cần thiết và nên làm.
Theo Hiệp hội chúng tôi, trong những trường hợp nguy cơ cao, nếu có điều kiện hay trang bị thêm quần áo cách nhiệt, mặt nạ phòng độc cách ly SCBA thì sẽ có thêm phương án, kéo dài thời gian bảo vệ với độ tin tưởng và hiệu quả tốt hơn với mọi người và gia đình.
Các gia đình cần phải đặt ra các tình huống giả định nếu xảy ra cháy nổ mà không thể chữa được thì phương án thoát nạn của gia đình sẽ là gì khi lối thoát nạn chính ở tầng 1 đã không còn tác dụng. Trả lời được câu hỏi này thì sẽ có được phương án thoát nạn phù hợp. Khi đã có được phương án thoát nạn thì sẽ xác định được việc mua sắm thiết bị phù hợp và phải đảm bảo các thành viên trong gia đình phải được tập luyện và thực hiện đúng trong các tình huống giả định với phương châm, theo chúng tôi, giống như quá trình tập luyện trong quân đội “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu’’.
Việc thoát nạn xuống mặt đất hoặc tầng thấp hơn có thể sử dụng các thiết bị thang dây, thang móc, thang chữa cháy ngoài nhà, ống tụt, dây hạ chậm. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào vị trí, kết cấu căn hộ, đối tượng, điều kiện, thời điểm thực hiện… trên cơ sở phân tích, đánh giá thì chúng ta mới có thể đưa ra phương án lựa chọn phù hợp.
Ví dụ như với các vị trí cao tầng, việc sử dụng thang dây để thoát nạn xuống đất hoặc tầng thấp hơn sẽ là khó khăn và kém hiệu quả đối với người già, trẻ nhỏ, người sợ độ cao, người hạn chế về khả năng thoát nạn.
Tuy nhiên việc trang bị nhiều thiết bị sẽ gia tăng thêm phương án, hiệu quả trong lựa chọn phương án thoát nạn khi không may có hỏa hoạn xảy ra.
VnEconomy 30/09/2023 14:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam