06:00 28/12/2021

Tiêu tốn năng lượng, hiệu quả chưa cao, vì sao?

Huyền Vy

Về cơ bản, năm 2022 hệ thống điện quốc gia đáp ứng đủ nhu cầu điện, song nguy cơ thiếu hụt công suất vào một số thời điểm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, cùng với những giải pháp về bảo đảm nguồn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó, nhu cầu sử dụng năng lượng, nhất là điện, luôn duy trì ở mức cao. Hệ số đàn hồi điện/GDP (tỷ lệ giữa mức tăng trưởng về nhu cầu điện năng và mức tăng trưởng của GDP) của Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể, từ mức lớn hơn 2 thời điểm trước năm 2015, xuống còn khoảng 1,29 hiện nay. Tuy nhiên vẫn còn lớn so với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển.

CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ TIẾT KIỆM

Xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thông tin, hiện Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaysia khoảng 60%... Điều này cho thấy sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả.

Nguyên nhân hệ số đàn hồi điện/GDP còn cao đến từ việc sử dụng các công nghệ sản xuất cũ, hệ thống dây chuyền, máy móc tiêu hao nhiều năng lượng. Đồng thời ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường và làm giảm sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

Theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, tỷ trọng sử dụng năng lượng trong nền kinh tế thời gian qua chưa cao, nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là nhóm công nghiệp nặng đang tiêu tốn nhiều điện, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không lớn.Ví dụ, một sản phẩm tại Thái Lan và Malaysia tạo ra tiêu tốn khoảng 1kWh điện, tại Việt Nam phải cần tới từ 1,5-2kWh điện.

“Tiết kiệm điện năng trong các ngành công nghiệp còn rất nhiều dư địa. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cải tiến công nghệ, tiết kiệm điện một phần nhỏ, Việt Nam sẽ tiết kiệm được nguồn tài nguyên rất lớn như vậy vừa sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, vừa tránh được nỗi lo thiếu điện cho sản xuất”, PGS.TS. Thịnh nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển. Việt Nam có gần 3.000 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm, tức là chưa tới 1% doanh nghiệp, nhưng tiêu thụ tới hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc.

Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm, thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Tương tự, với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc, nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm hai nhóm này có khả năng tiết kiệm tối thiểu 3.874 tỷ đồng.

Tiêu tốn năng lượng, hiệu quả chưa cao, vì sao? - Ảnh 1

Nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng, Chính phủ và các bộ, ngành đã sớm ban hành nhiều văn bản pháp luật cùng các cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Điện lực, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện.

Báo cáo kết quả hoạt động của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Đặng Hải Dũng, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, các hoạt động chính ở Trung ương và địa phương đều bám sát Quyết định số 280/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/3/2019 phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3), tập trung vào 6 nhiệm vụ: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh/ thành phố, cho thấy tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1 kTOE (đơn vị quy đổi năng lượng). Trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE. Tiếp sau là TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Gia Lai, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre...

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Ông Đặng Hải Dũng cho biết, trong năm 2022, Văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Chương trình VNEEP 3 đặt ra những mục tiêu cụ thể như sau. Giai đoạn 2019 - 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; giai đoạn 2025-2030 con số này là 8-10%.

Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương còn nhiều khó khăn do sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ; nguồn vốn triển khai hoạt động tại các địa phương còn hạn chế.

Do đó, để thúc đẩy mạnh hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các địa phương, bên cạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách thì cần nâng cao năng lực công tác truyền thông cũng như có các giải pháp hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt cần tăng cường hợp tác, đẩy mạnh hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn quốc.

Ông Võ Quang Lâm đề xuất, để đạt được mục tiêu theo Chương trình VNEEP 3, đặc biệt là nâng cao hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng, Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngoài việc vinh danh, khen tặng các đơn vị làm tốt, cần có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.