06:00 15/11/2021

Chuyển đổi năng lượng: Đường dài nhiều cơ hội và thách thức

Nguyễn Mạnh

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng “quá tải”, thì năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn và được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có chiến lược, lộ trình, cơ chế phù hợp để đảm bảo được sự phát triển bền vững...

Ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Tại hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

NĂNG LƯỢNG PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Việt Nam đã quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Đối với phát triển năng lượng mới, Nghị quyết 55 đề ra yêu cầu sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu…

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 55, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP, ngày 2/10/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Chương trình này có những nội dung liên quan đến phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới như: Nghiên cứu, xây dựng luật về năng lượng tái tạo; cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện khí sinh học…

TS. Nguyễn Đức Hiển-Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
TS. Nguyễn Đức Hiển-Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, hiện nay biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam lại phải càng chú trọng đến yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu và với thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, tại Hội nghị COP-26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050. Đây vừa là thách thức lớn đồng thời cũng tạo ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết tới đây, nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo hướng tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo với cơ cấu hợp lý.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Cụ thể, sẽ gia tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% năm 2045; giảm tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện than trong cơ cấu sản xuất, từ 44,2-45,5% năm 2030 xuống 27,4-32,4% năm 2045; phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG và tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như tích năng, năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng hydrogen, năng lượng từ rác thải...

Chuyển đổi năng lượng: Đường dài nhiều cơ hội và thách thức - Ảnh 1

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh, việc chuyển dịch nguồn năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo để phát triển bền vững là một lộ trình nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, cần có sự hỗ trợ cả về công nghệ và tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới.

KỲ VỌNG NHƯNG CẦN THẬN TRỌNG

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo, Bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, Điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam nhận định, phát triển năng lượng xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, giảm khí thải... mà còn giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trước nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo.

“Việt Nam cũng thể hiện rõ quan điểm định hướng là ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Chúng tôi sẽ hỗ trợ và đồng hành để Việt Nam trở thành “tàu cao tốc” trên con đường cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Camilla Holbech cam kết, đồng thời cũng kỳ vọng vào tương lai phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh của Việt Nam.

 
"Chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Dự kiến trong 5 năm tới, chi phí này sẽ giảm thêm 30%. Do vậy, những hỗ trợ ban đầu cho điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để cho ngành năng lượng có thể giảm mạnh giá thành sản xuất và cạnh tranh về giá".
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu

Bổ sung thêm, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nhận định, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi không chỉ giúp Việt Nam chủ động về năng lượng, mà còn tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm mới và cân bằng lại cán cân thương mại khi giảm nhập khẩu năng lượng, giảm nhập khẩu than và khí đốt.

Điện gió ngoài khơi với sự thuận lợi trong huy động vốn và công nghệ có thể sẽ là nguồn năng lượng giúp thay thế phần nào sự thiếu hụt điện than.

Trong khi nhiều quan điểm cho rằng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) là nguồn năng lượng sạch, thì theo ông Đào Xuân Lai, Trợ lý đại diện thường trú và Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam, chưa chắc đã sạch.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lai cho rằng trong giai đoạn đầu, các sản phẩm điện gió, điện mặt trời là năng lượng sạch. Thế nhưng, bước vào cuối chu kỳ sản phẩm, thì hai loại điện này lại là gánh nặng cho môi trường. Ví dụ, thành phần vật liệu để tạo ra điện năng lượng mặt trời bao gồm 69% là thủy tinh, 28% là một số kim loại như bạc, đồng, nhôm, chì và thiếc, 3% còn lại là nhựa và silicon.

Như vậy, trong trường hợp điện mặt trời vào giai đoạn cuối vòng đời, chất thải từ tấm quang điện được coi là chất thải nguy hại, trừ phi các thành phần có chứa vật liệu nguy hại được loại bỏ và xử lý đúng cách. Các chất độc hại như antimon có số lượng nhỏ nhưng có thể gây độc.

Tương tự, với điện gió, thành phần vật liệu chất thải chủ yếu là kim loại đen. Đây là loại vật liệu tổng hợp trong sợi thủy tinh là loại khó tái chế nhất, cần được xử lý chuyên biệt.

Theo ông Lai, mặc dù Việt Nam đã có các quy định rõ ràng về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, nhưng cơ sở pháp lý cụ thể cho việc phân loại chất thải từ điện mặt trời và điện gió vẫn chưa có.

Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý chất thải còn thô sơ, chưa hoàn thiện trong khi việc thu gom và xử lý chất thải điện mặt trời và điện gió cần có quy trình đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

“Việt Nam cần học hỏi nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia châu Âu về việc xử lý chất thải rắn của hai loại điện này vào giai đoạn cuối vòng đời. Cùng với đó, cần hoàn thiện khung chính sách liên quan đến quản lý rác thải của hệ thống điện mặt trời và điện gió” ông Lai đề xuất.