11:57 27/11/2021

Cần cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo

Song Hà

Hệ thống pháp lý thu hút đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa có giải pháp đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo. Có nhiều khu vực buộc phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy năng lượng tái tạo do lưới điện bị quá tải…

Cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống.
Cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống.

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn, dư địa phát triển rất dồi dào.

Tính đến năm 2020, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 31,0%, đạt khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên khoảng 44,0% vào năm 2050.

Kết quả, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt khoảng 69.300 MW. Trong đó, điện mặt trời đạt 16.420 MW, điện gió đạt 514 MW, điện sinh khối đạt 382 MW, điện từ rác thải chiếm tỷ lệ nhỏ 9,43 MW.

Tính đến hết năm 2020, điện năng lượng tái tạo chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt. Riêng điện gió đến hết ngày 31/10/2021 đã có hơn 4.000 MW đi vào vận hành.

CHÍNH SÁCH CÒN KHOẢNG TRỐNG

Tại diễn đàn "Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng cho rằng, chính sách về giá FIT (biểu giá hỗ trợ điện) cho điện mặt trời và điện gió chính là công cụ chính sách kích hoạt thị trường. Nên năm 2018 tỷ lệ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1% thì đến 2021 con số này đã tăng lên 29%.

Mặc dù vậy, bà Nhiên cho rằng, các chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống chưa tạo đòn bẩy cho phát triển lĩnh vực này.

Cụ thể, đến cuối 2020 giá FIT cho điện mặt trời đã kết thúc và cuối tháng 10/2021, giá FIT cho điện gió kết thúc. "Nhưng trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan đến sau giá FIT.

Với điện mặt trời, sau giá FIT là giá FIT2. Với điện gió sau giá FIT 1 từ năm 2011 và giá FIT 2 là năm 2018. Tuy nhiên, đến bây giờ cơ chế đấu thầu vẫn chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào”, bà Nhiên nói.

Bên cạnh đó, theo bà Nhiên, Chính phủ cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt và liên tục mới có thể duy trì thị trường phát triển.

Hiện nay, giá mua điện năng lượng tái tạo từ các nhà máy mới thường được mang ra so sánh với các nhà máy thủy, nhiệt điện được phát triển từ nhiều năm về trước. Do đó, cơ sở so sánh này sẽ không thể thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo phát triển.

Một vấn đề nữa, Việt Nam đang thiếu chiến lược chuyển dịch năng lượng tổng thể quốc gia trong dài hạn như nội địa hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, giảm chi phí phát triển nguồn bằng chính sách số hóa hoặc minh bạch quy trình phê duyệt một cửa cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc công bằng trong tiếp cận dự án.

Chính vì vậy, theo bà Nhiên, cần có cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như tổ chức đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc công suất hoặc đầu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện và cơ sở hạ tầng ngành điện

Hơn nữa, theo vị đại diện này, thách thức phát triển cho ngành điện Việt Nam trong 10 năm tới là cơ sở hạ tầng lưới điện. Hiện nay Việt Nam có hai loại lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối. Chính phủ có một số chính sách cho lưới điện phân phối nhưng chưa có cho lưới điện truyền tải.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam, một trong những "nút thắt" chính sách là Quy hoạch điện 8. Hiện nay, Quy hoạch điện 8 không được phê duyệt sẽ là nút thắt đầu tiên để cản trở các chính sách tiếp theo.

CẦN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ RÕ RÀNG

Để gỡ những vướng mắc chính sách cho năng lượng tái tạo, ông Huân cho rằng, năng lực lưới truyền tải điện hiện nay đang có nhiều vấn đề và cần được nâng cấp bằng kêu gọi đầu tư. Nghị Quyết 55 đã nêu kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư vào lưới điện, nhưng theo điều 4 Luật Điện lực có nhắc tới vấn đề độc quyền về phân phối điện.

Do đó, để Nghị quyết của Trung ương đi vào thực tế cần khuôn khổ pháp lý nhất định. Như Luật Điện lực cần nghiên cứu xem xét sửa đổi hoặc chính sách khác cần có hướng dẫn để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác có thể tham gia, đồng thời, các sở ban ngành địa phương có thể áp dụng triển khai.

Mặt khác, cần có hướng dẫn về chính sách giá cũng như hướng dẫn quy trình đấu thầu để các nhà đầu tư có thể nắm rõ khi giá FIT không được áp dụng.

Cùng với đó, cần một lộ trình phát triển công nghệ cho ngành điện. Hiện nay, điện rác với Việt Nam còn khá mới, các địa phương hầu như lúng túng trong lựa chọn công nghệ nào, thậm chí, các bộ ngành chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này.

"Sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành tham gia xây dựng chính sách và khung pháp lý vô cùng quan trọng nhằm tạo nền tảng thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển hơn trong tương lai", ông Huân khuyến nghị.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp đội điện gió Bình Thuận bình luận thêm, chúng ta đang có thời cơ rất lớn phía trước cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện gió ngoài khơi cùng điện mặt trời áp mái.

Chúng ta tự hào có 28% công suất lắp đặt năng lượng tái tạo, nhưng sản lượng đóng góp chỉ khoảng 8% là một con số rất khiêm tốn và các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đang bị lỗ rất nặng.

Do vậy, về lưới điện, chắc chắn sẽ phải xây mới và nâng cấp nếu không việc cắt giảm công suất càng tăng. Mặt khác, tăng cường liên kết để xuất khẩu điện khi thừa hàng hóa năng lượng tái tạo trong nước.

Ông Dương Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc vận hành Tập đoàn Super Energy mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN sớm có giá FIT mới cho điện gió, những dự án đã và đang thi công nhưng trễ tiến độ 31/10 vừa qua… để tiếp tục thực hiện dự án.