Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 1

Các chuyên gia đánh giá, thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định, khó khăn trong quý 4 sẽ dần bớt đi… Ông có nhận thấy những dấu hiệu này ở công ty Dony không?

Cá nhân tôi không muốn đưa ra nhận định tổng quan, mà muốn phân tích tín hiệu tích cực từ từng thị trường khác nhau. Ví dụ như thị trường Mỹ giai đoạn này yếu hơn so với cùng kỳ các năm trước rất nhiều, trong khi thị trường Trung Đông năm nay vẫn khá ổn định, thậm chí còn có xu hướng tăng trưởng. Còn nếu tính riêng đơn hàng nội địa, thì chắc chắn quý 4 của ngành may mặc sẽ “xôm” hơn so với 3 quý trước, do đây là giai đoạn cao điểm mua sắm trong năm. Nếu nói tình hình quý 4 ấm dần lên, thì cũng chỉ có nghĩa là thị trường sẽ tốt hơn so với quý 4/2022 mà thôi. Riêng tôi cho rằng cũng chưa thể phục hồi lại như bình thường trước đại dịch Covid-19.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 2

Giữa tháng 10 này, Dony có đơn hàng đi Trung Đông. Tiếp đến, qua tháng 11, Dony cũng sẽ có thêm một đơn hàng xuất đi Mỹ… Có vẻ như Dony không mấy “lao đao” về đơn hàng như nhiều doanh nghiệp khác?

Tôi phải kể lại chuyện này: đầu năm 2022, Dony ngồn ngộn đơn hàng, công nhân phải tăng ca hết công suất ngày đêm mới kịp tiến độ giao hàng như kế hoạch. Thế nhưng từ giữa tháng 8/2022, nhịp sản xuất của công ty bắt đầu thưa dần rồi trống trơn đơn hàng. Tôi đã một mình bay sang thủ đô Amman của Jordan, mục tiêu lớn nhất không chỉ đi tìm đơn hàng mới mà còn muốn tìm ra điểm mấu chốt khiến đối tác không chọn Việt Nam, và cụ thể hơn là không chọn Dony, để đặt hàng, vì sao?

Tôi luôn nghĩ, tất cả các hoạt động của một doanh nghiệp đều do con người điều khiển. Mà đặc tính của con  người là cảm xúc, là tình cảm, cho nên, ngoài uy tín và chất lượng, một giá trị khó có thể ngã giá được với nhau trên hợp đồng chính là sự thân quen. Khi tôi đến gặp trực tiếp các đối tác như vậy, tôi có thể tận mắt thấy được cách họ làm kinh doanh, thậm chí được gặp gỡ cả đối tác của đối tác, từ đó tôi hiểu được lợi thế của họ, quan điểm của họ cũng như những khó khăn của họ. Từ đó, tôi cố gắng tìm những cái giải pháp khác với trước đây để có thể hai bên cùng có lợi. Đối với tôi, khi đã tạo được sự thân quen giữa con người với con người, dù có khó khăn gì hai bên cũng sẽ tìm ra cách giải quyết.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 3

Sau những chuyến đi kết nối con người với con người, là những kế sách để Dony yên tâm vượt qua giai đoạn khó khăn 2023?

Đúng là những chuyến đi tới thực địa đã mở ra cho tôi những cái nhìn khác. Đầu tiên, nhiều đối tác tôi gặp được đều nói họ đang tìm thị trường mới để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là cơ hội mang tính thập kỷ cho Việt Nam, nhưng cũng là nguy cơ nếu doanh nghiệp Việt không được lựa chọn. Bởi vì, một khi các doanh nghiệp lớn tại Mỹ hoặc châu Âu tìm được một nhà sản xuất mới ngoài Trung Quốc, họ sẽ gắn bó với thị trường mới này một khoảng thời gian tính bằng thập kỷ tiếp theo và tôi muốn chớp lấy cơ hội này. Tuy nhiên, vì sao đơn giá của nhiều công ty may mặc ở Trung Quốc đưa ra bằng, thậm chí thấp hơn cả giá nguyên vật liệu của Dony? Đó là do chuỗi cung ứng ở ta mọi người ít khi sẻ chia cho nhau, không hướng đến cùng một mục tiêu có thật nhiều đơn hàng. Vì vậy, tôi đã đi đàm phán với tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng của mình từ vải, chỉ may, công nhân, nhóm gia công... để cùng nhau xây dựng một chuỗi cung ứng chia sẻ.

Chỉ khi mỗi một công đoạn trong chuỗi cung ứng chiến lược của Dony đồng ý cắt giảm một phần lợi nhuận để hướng tới mục tiêu chung là mang về nhiều đơn hàng, tôi mới có đủ tự tin để nói rằng, ngoài chất lượng và uy tín, giờ đây sản phẩm của tôi hoàn toàn có thể “đọ” giá với nhiều thị trường khác.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 4

Ngoài chuỗi cung ứng chia sẻ, Dony có bí quyết tối ưu chi phí gì để đưa ra cho khách hàng các sản phẩm ở mức giá cạnh tranh?

Doanh nghiệp luôn luôn phải chịu hai loại chi phí, gồm định phí và biến phí. Định phí thì luôn luôn cố định, có nghĩa là dù có đơn hàng hay không thì doanh nghiệp vẫn phải chi, còn biến phí thì có đơn hàng mới phải chi. Trong giai đoạn khó lường như hiện nay, chúng tôi chuyển mọi thứ thành biến phí để dễ quản lý. Hiện tại, Dony đang đi theo chiến lược không tuyển thêm công nhân, mà tập trung vào việc đào tạo tay nghề để tăng năng suất lao động. Nếu tuyển thêm nhân công thì tiền lương cho người lao động sẽ trở thành định phí, không dễ gì mà cứ tuyển vào rồi lại cắt giảm.

Nếu đơn hàng nhiều thì chúng tôi tăng ca, nếu tăng ca vẫn không đủ thì sẽ tuyển thêm lao động thời vụ. Tương tự với nguyên vật liệu, khi có đơn hàng thì mới mua, chỉ mua đủ những gì mình cần… Tóm lại, giai đoạn này chúng tôi sẽ ưu tiên những chi phí thuộc về biến phí theo từng đơn hàng, chứ không để nó trở thành chi phí cố định của doanh nghiệp.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 5

9 tháng đầu năm nay, đã có thời điểm Công ty cần tìm thêm tới hàng trăm nhân công thời vụ. Thị trường nào hiện đang nhiều tiềm năng nhất đối với Dony?

Vốn dĩ tôi đã lên kế hoạch là tháng 10 này sẽ đi Mỹ để tìm kiếm đơn hàng. Nhưng qua trao đổi với các đối tác, tôi quyết định hủy kế hoạch khi thị trường Mỹ hiện có vẻ quá ảm đạm, khả năng thành công không cao. Thay vào đó tôi chuyển sang khai thác thị trường Đông Nam Á. Bắt đầu từ năm ngoái, tôi nhận thấy xuất khẩu trong khu vực có nhiều thuận lợi cả về thuế quan lẫn thời gian.

Việc vận chuyển đơn hàng hoặc qua thăm đối tác đều rất thuận tiện, giống như một thị trường nội địa khác vậy, giúp tiết kiệm ngân sách và chi phí mà nhu cầu cũng rất cao. Do đó, bao nhiêu kế hoạch ngân sách đáng lẽ là dành để tập trung xúc tiến thị trường Mỹ thì đều được chúng tôi dùng để phát triển thị trường Đông Nam Á. Quả nhiên, vừa bắt đầu xúc tiến thì chúng tôi đã nhận được đơn hàng.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 6

Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, điều gì đã khiến anh chọn khởi nghiệp và rồi đã giữ chân ở lại với ngành may mặc suốt 14 năm cho đến tận bây giờ?

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, tôi định hướng sẽ theo con đường nghiên cứu khoa học và học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tôi nhận thấy mình chọn sai con đường nên quyết định bỏ ngang việc học để kiếm đường khởi nghiệp. Khoảng năm 2010, tôi tự mở công ty khi mới 25 tuổi, với một suy nghĩ rất đơn giản rằng ngành may mặc là thế mạnh của Việt Nam và rất nhiều các doanh nghiệp, công sở, trường học cần đến quần áo đồng phục.

Vào năm 30 tuổi, tôi từng hoang mang về con đường mình đã chọn và thử đầu tư vào một vài lĩnh vực khác với mong muốn “giàu nhanh”. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tôi rút ra bài học: thì ra cái gì cũng có thể giúp ta làm ra tiền và cái gì cũng có thể khiến ta mất hết tiền! Cho nên, hãy cố làm cho giỏi một việc trước đã và kiếm tiền từ thế mạnh của mình. Đến lúc đó tôi mới thật sự hiểu câu nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi quyết định tiếp tục gắn bó với ngành may mặc này, đến giờ thì không một chút hoang mang nào nữa.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 7

Có một đối tác, hay một doanh nhân nào trong ngành may mặc khiến anh cảm thấy muốn học hỏi từ họ không?

Tôi có một người thầy, tuy không làm trong ngành may mặc nhưng đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Đó là doanh nhân Trần Kim Thành, người sáng lập Tập đoàn Kinh Đô. Thầy từng nói với tôi, ví dụ như có tất cả mười loại bánh, trước tiên mình chỉ nên xác định cố gắng để “làm vua” của một loại bánh, sau đó sẽ chuyển sang tập trung làm tốt nhất loại bánh thứ hai… Cứ như thế, từng bước một, chúng ta có thể vươn tới đỉnh cao của một ngành nào đấy. Chỉ cần có phương hướng tốt, chú tâm và không sờn lòng, rồi kết quả cũng sẽ tới thôi.

Vậy anh hình dung thế nào về Công ty CP Quốc tế Dony trong khoảng 5 năm tới?

Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2028, Dony sẽ trở thành doanh nghiệp số một về đồng phục tại Việt Nam. Cố gắng đến năm 2030, chúng tôi có thể lọt vào top 100 doanh nghiệp may đồng phục tốt nhất trên thế giới.

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 8

VnEconomy 13/10/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2023 phát hành ngày 09-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tìm cách “ngược bão”: Doanh nghiệp tỏa sáng - Ảnh 9