07:33 24/05/2023

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước: Tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng được xử lý nghiêm

Phan Linh

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo Quyết định 1058/QĐ-TTG ngày 19/07/2017 về cơ bản hoàn thành mục tiêu nhưng còn một số tồn tại, trong đó có sự phối kết hợp chưa nhịp nhàng của các bộ ngành...

Một số ngân hàng xác định tỷ lệ nợ xấu chưa chính xác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Một số ngân hàng xác định tỷ lệ nợ xấu chưa chính xác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi tới Quốc hội Báo cáo kết quả kiểm toán Chuyên đề thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

MỘT SỐ MỤC TIÊU CHƯA HOÀN THÀNH

Kết quả kiểm toán cho thấy, hoạt động của hệ thống ngân hàng cơ bản được kiểm soát an toàn. Năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng được nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế. Tình trạng đầu tư, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan từng bước được xử lý nghiêm túc. Mô hình kinh doanh ngân hàng chuyển dịch dần từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ...

 

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái…)

Song, báo cáo trên cũng nêu một số tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện, từ đó dẫn đến kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án, còn không ít mục tiêu, giải pháp chưa hoàn thành. 

Đơn cử, ngành ngân hàng chưa đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái…). 

Thậm chí, nếu tính toán, xác định lại, một số tổ chức tín dụng không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Theo báo cáo từ một số ngân hàng mà cơ quan Kiểm toán Nhà nước nêu, có những đơn vị nợ xấu ở mức 3,7% - 8,6% - 8,41% - 8,5%, cá biệt có ngân hàng nợ xấu lên tới 13,4%.
Song song với đó, công tác thanh tra, giám sát chưa đảm bảo trên cơ sở tập trung theo trọng yếu, rủi ro; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập đã tăng nhưng chưa đáng kể, không đạt mục tiêu.

Ngoài ra, mạng lưới các tổ chức tín dụng phân bố chưa đồng đều, chưa bám sát theo mục tiêu định hướng của Chính phủ; kết quả thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước tại một số ngân hàng không đạt kế hoạch; hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động quỹ tín dụng nhân dân và tài chính vi mô chưa hoàn thiện và đầy đủ…

BỘ, NGÀNH CHƯA PHỐI KẾT HỢP NHỊP NHÀNG

Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc phê duyệt, ban hành Đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm, quá trình phê duyệt đề án cơ cấu một số ngân hàng kéo dài tới 13 - 14 tháng và hầu hết các đơn vị còn lại thời gian phê duyệt kéo dài từ 6 tháng đến gần 1 năm. 

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra không ít bộ, ngành chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được giao tại Đề án. Cụ thể, với Bộ Tư pháp, chưa làm rõ các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề ra các giải pháp để đẩy nhanh công tác thi hành án tồn đọng có liên quan; công tác đôn đốc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật vẫn còn chậm...

 

Đến thời điểm báo cáo (17/5/2023), mới chỉ có 9/63 đơn vị công an địa phương (chiếm tỷ lệ 14%) phối hợp với tổ chức tín dụng để tổ chức 205 vụ thu giữ tài sản đảm bảo.

Bộ Công an, đến thời điểm báo cáo mới chỉ có 9/63 đơn vị công an địa phương (chiếm tỷ lệ 14%) phối hợp với tổ chức tín dụng để tổ chức 205 vụ thu giữ tài sản đảm bảo.

Bộ Tài chính, chưa bố trí đủ nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020; chưa hoàn thành khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ; chưa xây dựng cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; chưa xử lý dứt điểm các vướng mắc về nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn thành việc sửa đổi quy định tại Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng, việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Một số tổ chức tín dụng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện một số mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại cũng như lộ trình về nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực...