16:54 05/04/2022

TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường 2022 - 2023

Thiên Ân

Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP.HCM có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ nhóm đối tượng tham gia với hình thức, gồm cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Công thương TP.HCM vừa chính thức công bố thông tin triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP.HCM, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

HÀNG BÌNH ỔN LUÔN BẢO ĐẢM THẤP HƠN THỊ TRƯỜNG 5 – 15%

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM xác nhận, giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM luôn bảo đảm thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại, chất lượng, quy cách trên thị trường từ 5% - 15%.

Năm 2022, nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia, tăng bốn doanh nghiệp so với năm 2021. Lượng hàng đăng ký tham gia nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu tăng mạnh so năm 2021; trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở... khô) tăng gấp 8 lần.

Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng: Có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng một doanh nghiệp so với năm ngoái. Trong đó, lượng hàng cung ứng chiếm 35% - 50% nhu cầu thị trường, như: tập vở học sinh 20,48 triệu quyển/mùa; đồng phục học sinh 428.000 bộ/mùa; cặp, ba lô, túi xách 1,66 triệu cái/mùa; giày, dép học sinh 64.000 đôi/mùa.      

Mặt hàng sữa: Có bảy doanh nghiệp tham gia, tăng bốn doanh nghiệp, trong đó có ba doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam (Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood).

Mặt hàng dược phẩm: Có tám doanh nghiệp tham gia chương trình với 19 nhóm thuốc, chủ yếu các loại dược phẩm dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều bao gồm các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm,…

Đối với mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19: Có bốn doanh nghiệp tham gia chương trình với hai nhóm hàng, gồm khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng y tế) 7.543.524 cái/tháng; nước rửa tay sát khuẩn (nhiều quy cách) 23.672 lít/tháng.

Trong những tháng bình thường, lượng hàng bình ổn thị trường nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm từ 25 - 33% nhu cầu thị trường. Riêng giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35 - 50% nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện Sở đang đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch của UBND TP.HCM. Bảo đảm sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân.

Đồng thời Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng. Đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

NHÓM LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM THIẾT YẾU ĐIỀU CHỈNH TĂNG GIÁ

Theo ông Võ Lê Bích Đồng, Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương Thành phố đã vận động thêm các nguồn lực xã hội tham gia, tăng sản lượng.

“Điểm mới của chương trình năm nay chia rõ ba nhóm đối tượng tham gia thông qua ba hình thức là cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng, ông Đồng cho hay. Cùng với các giải pháp trước mắt, Sở Công Thương đồng thời triển khai các giải pháp bền vững.

Cụ thể, Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại TP.HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu tại Thành phố và các địa phương khác.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản khu vực phía Nam.

Đẩy mạnh kết nối, tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của Thành phố.

Ký kết các hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định... 

Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết thêm, năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phải bảo đảm nguồn cung, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Sở Công Thương đang tiếp tục đôn đốc các doanh nghiêp tham gia bình ổn cần phải xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ. 

Được biết, tổng doanh thu hàng hóa bình ổn thị trường niên hạn 2021 - 2022 đạt 17.381,8 tỷ đồng. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm đạt 16.298,1 tỷ đồng, tương đương chương trình năm 2020 – 2021.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3/2022, việc xăng dầu tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm liên tục tăng giá, từ nguyên liệu đến bao bì và thành phẩm, gia tăng áp lực, tăng chi phí… Nhiều nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá đầu vào.

Trước tình hình này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thươg TP.HCM đã trấn an rằng, chương trình bình ổn thị trường 2021 – 2022 đến 31/3 mới kết thúc và hiện vẫn phát huy hiệu quả và các doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa trên thị trường mà không phải bị áp lực về giá.

Tuy nhiên, ông Hoàng Vũ cũng cho biết đến ngày 31/3/2022, trong trường hợp chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp có quyền đề xuất tăng giá bán trong hệ thống phân phối hiện đại từ 3 - 5%.

Ngày 31/3 vừa qua, Sở Tài chính TP.HCM đã có báo cáo ỷ ban nhân dân TP.HCM kết quả xét duyệt giá đăng ký của doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023.

Trong đó nhóm hàng lương thực thực phẩm thiết yếu điều chỉnh tăng giá gồm gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô tăng gấp 8 lần,… như đã nêu trên.

 

Năm 2022, nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu tăng mạnh so năm 2021; trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở... khô) tăng gấp 8 lần.

Tổng doanh thu hàng hóa bình ổn thị trường niên hạn 2021 - 2022 đạt 17.381,8 tỷ đồng. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm đạt 16.298,1 tỷ đồng, tương đương chương trình năm 2020 – 2021.