Chủ động nguồn cung hàng hoá khi có dịch bệnh hoặc Tết
Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết...
Phát biểu khai mạc tại “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2021” ngày 2/12 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của 29 điểm cầu từ các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho khoảng 10 triệu người dân trên địa bàn TP.HCM ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn TP. HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp tích cực với các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh Chương trình bình ổn thị trường.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình đã trực tiếp triển khai các hoạt động cung ứng hàng hóa cho các địa bàn và xây dựng các phương án cung ứng hàng linh hoạt phù hợp với mọi cấp độ dịch bệnh. Đây đều là những đơn vị, doanh nghiệp tham gia thường xuyên các hoạt động kết nối cung cầu bình ổn thị trường...
Chương trình hợp tác thương mại, Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa cũng được tổ chức thường kỳ hàng năm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP.HCM trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phía Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hải, Chương trình vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá và công tác phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng, kết nối cung cầu...
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, theo ông Hải, lãnh đạo UBND thành phố, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình Hợp tác thương mại, nhất là các chương trình Bình ổn thị trường và chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa tại địa phương.
Đặc biệt là thông qua việc tập trung vào hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu, định hướng mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua kênh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, các sản phẩm OCOP.
Mặt khác, cùng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối cung - cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử.
Ông Hải lưu ý, cần nhân rộng mô hình và trao đổi kinh nghiệm với các địa phương nhất là các tỉnh, thành phố có nguồn cung hàng hoá đa dạng, dồi dào, hình thành chuỗi liên kết hàng hoá chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch nguồn gốc hàng hoá và an toàn thực phẩm, từng bước phát triển thương hiệu hàng Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Đồng thời, thực hiện nghiêm nội dung của Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương TP HCM nói riêng và Sở Công Thương các địa phương nói chung cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết.
Các tỉnh, thành đôn đốc doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo...