12:47 30/05/2024

Trả lương làm thêm của sinh viên không được thấp hơn lương tối thiểu vùng

Nhật Dương

Nhiều ý kiến góp ý cho rằng giờ làm thêm của học sinh, sinh viên nên tùy theo sự thỏa thuận của sinh viên với doanh nghiệp, nhưng cần đảm bảo trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nơi làm việc…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian, nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong năm học, và không quá 48 giờ mỗi tuần trong kỳ nghỉ.

Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

Góp ý về nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nếu quy định như dự thảo Luật thì lực lượng học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động sẽ bị khống chế về thời gian làm việc, nội dung này chưa phù hợp với Bộ luật Lao động.

Mặt khác, trường hợp sinh viên xa nhà, thuộc gia đình có thu nhập thấp, bị hạn chế thời gian làm việc sẽ làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt và học tập.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị bổ sung quy định tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu giờ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Tổng Liên đoàn, khi thỏa thuận về vấn đề tiền lương, người lao động là học sinh, sinh viên ở vị trí yếu thế trong quan hệ việc làm. Vì vậy cần giới hạn sàn tối thiểu về mức lương, để tránh việc người sử dụng lao động đưa ra đơn giá tiền lương quá thấp, không tương xứng với sức lao động của người lao động bỏ ra khi thực hiện công việc.

Hơn nữa, việc áp dụng sàn lương tối thiểu giờ theo quy định của pháp luật đang áp dụng trong quan hệ lao động sẽ đảm bảo học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian được bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Đối với quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian, Tổng Liên đoàn cho rằng nội dung này cần nghiên cứu vì chưa phù hợp.

Lý do trách nhiệm quản lý lao động là của cơ quan quản lý nhà nước (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) và doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục chỉ có trách nhiệm quản lý về mặt giáo dục.

Sinh viên tìm kiếm việc làm thêm. Ảnh: N.Dương.
Sinh viên tìm kiếm việc làm thêm. Ảnh: N.Dương.

Liên quan đến quy định giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất chỉ nên quy định số giờ làm việc tối đa bằng 48 giờ trong mỗi tuần, và tùy theo sự thỏa thuận của sinh viên với doanh nghiệp mà họ được chọn.

Đồng thời, nên quy định tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện. Tuy nhiên, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và các phụ cấp khác theo quy định pháp luật.

Lý giải cho đề xuất trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết học sinh, sinh viên đã đủ tuổi lao động theo luật định, có thể tự quyết định công việc giờ giấc cho bản thân, 20 giờ trong 1 tuần là quá ít so với giờ lao động chuẩn.

Với những người đã đi làm toàn thời gian sau đó theo học để bổ sung bằng cấp, ví dụ học nghề, học cao học,…, thì sẽ không thể giới hạn thời gian làm việc của họ.

Quy định này cũng không phù hợp với đối tượng là thực tập sinh của các trường nghề khi thực tập tại doanh nghiệp, bởi đối với các sinh viên trường nghề thì việc thực tập tay nghề là vô cùng quan trọng để nâng cao tay nghề, chuẩn bị tốt cho việc làm sau khi ra trường.

Mặt khác, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có chương trình trải nghiệm thực tế cho sinh viên, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chưa tốt nghiệp có cơ hội học hỏi thực tiễn.

Do vậy, hiệp hội này cho rằng nếu thắt chặt quá về thời gian trải nghiệm của sinh viên sẽ khiến cho sinh viên mất đi cơ hội trải nghiệm và thực hành.

Khi học sinh, sinh viên đã làm việc đủ 48 tiếng trong 1 tuần thì tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

Tuy nhiên, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và các phụ cấp khác theo quy định pháp luật để đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động.