Tranh cãi pháp lý vụ bán cổ phần trị giá hơn 2.000 tỷ đồng
TAND TP Hà Nội vừa họp giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài giữa Công ty cổ phần A.; ông Đỗ Tất T. và bên liên quan là Công ty W. (ở Singapore) liên quan đến vụ chuyển nhượng cổ phần trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, Công ty A. sở hữu 41% cổ phần tại Công ty S. Ngày 9/8/2019, ông Đỗ Tất T. ký hợp đồng chuyển nhượng 33.986.774 cổ phần tại Công ty Công ty cổ phần mặt nước S. cho Công ty W. Các bên thỏa thuận giá mua bán là 61.000 đồng/1 cổ phần. Giá trị thương vụ chuyển nhượng là hơn 2.073 tỷ đồng. Việc thanh toán chia làm 3 đợt và hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam.
NGHI NGỜ NGHỊ QUYẾT HĐQT BỊ GIẢ MẠO?
Quá trình thực hiện hợp đồng, do phát sinh tranh chấp nên Công ty W. khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài Việt Nam (VIAC). Ngày 16/12/2022, Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết buộc Công ty A. và ông Đỗ Tất T. phải liên đới mua lại số cổ phần trên theo giá chọn bán và chịu các chi phí trọng tài…
Không đồng ý với phán quyết trọng tài, phía bị đơn là Công ty A. và ông T. đã nộp đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trên.
Theo đó, Công ty W. xuất trình Nghị quyết HĐQT ngày 12/7/2021 và tài liệu xác minh tư cách, phạm vi thẩm quyền của những người được ủy quyền là giả mạo, không đảm bảo chứng cứ.
Cụ thể, việc 5 thành viên HĐQT cùng ký vào 1 văn bản nghị quyết vào cùng ngày ký 12/7/2021 là không thể thực hiện được trên thực tế. Lý do là bởi tháng 7/2021 là lúc dịch bệnh Covid 19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại Thái Lan và Sinapore – nơi mà 5 thành viên HĐQT Công ty W. cư trú. Việc xuất nhập cảnh vào các quốc gia này cho những mục đích thông thường như kinh doanh, làm việc, họp mặt… là không thể vì các lệnh giãn cách, phong tỏa được áp dụng nghiêm ngặt.
Theo bị đơn, không có cách nào để 5 thành viên HĐQT có thể cùng có mặt ở Singapore để ký trên vào nghị quyết.
Còn đặt trường hợp cho rằng, Nghị quyết được các thành viên HĐQT ký lần lượt ở các địa chỉ khác nhau thì ngày ký phải khác nhau. Còn nếu ký rời rồi tập hợp và ghép các bản với nhau thì không thể tồn tại nghị quyết đơn nhất với 5 chữ ký trên cùng một văn kiện.
Điểm mấu chốt là tài liệu này không được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 và Điều 478 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thực tế, sau đó, Công ty W. đã khắc phục bằng bản Nghị quyết HĐQT tách rời được ký, chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự ở các địa điểm khác nhau trong tháng 10,11,12/2021. Tài liệu được lập sau khi Công ty W. đã nộp đơn khởi kiện và được VIAC thụ lý nên không có giá trị ủy quyền hồi tố lại thời điểm trước đó.
Theo bị đơn, việc trọng tài chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, không xem xét đến các thỏa thuận của các bên. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu khi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm những “thủ thuật” để thoái vốn khởi các dự án đầu tư đang triển khai, vận hành, làm giảm tính cam kết và ràng buộc giữa các đối tác đầu tư trong và ngoài nước, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho các nhà đầu tư trong nước.
KHI NÀO CẦN HỢP PHÁP HÓA LÃNH SỰ?
Công ty W. cho rằng, Hội đồng trọng tài không yêu cầu đối với việc tài liệu ủy quyền cần phải hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều 9.4 Nghị định 111.
Theo tòa án, Luật Trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể về việc các văn bản ủy quyền khởi kiện cũng như ủy quyền tham gia tố tụng từ nước ngoài gửi về phải được hợp pháp hóa lãnh sự để sử dụng trong tố tụng trọng tài. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận mọi tư cách tham gia tham tố tụng hoặc loại trừ tính pháp lý, tính hợp pháp của tư cách người khởi kiện cũng như tư cách tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 điều 4 Nghị định số 111/2011 của Chính phủ quy định: “Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này”.
Khoản 4 điều 9 Nghị định số 111/2011 của Chính phủ quy định về các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự gồm: Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
Hội đồng trọng tài cho rằng, Bộ luật tố tụng dân sự chỉ điều chỉnh thủ tục tố tụng Tòa án, không phải thủ tục tố tụng trọng tài nên không thể là “quy định pháp luật tương ứng” tại điều 9.4 Nghị định 111.
Trước ý kiến này, tòa án trích dẫn đạo luật gốc là Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 4 quy định bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự).
Trong vụ việc này được hiểu Luật trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn luật trọng tài thương mại không quy định thì được áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó điều 478 đã quy định “Giấy tờ, tài liệu và bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hóa lãnh sự”.
Vì vậy, VIAC đã thụ lý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn khi các tài liệu này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự trong khi bị đơn phản đối là không đúng quy định.
Do đó, Hội đồng xét đơn – TAND TP Hà Nội đã quyết định hủy phán quyết trọng tài trên.