15:13 01/04/2010

Trái chiều quan điểm về chuyển nhượng cổ phần VietJet Air

Y Nhung

Vietnam Airlines phản đối sự tham gia của đối tác nước ngoài vào hãng hàng không VietJet Air, nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại ủng hộ

Với thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, AirAsia sẽ là một trong những cổ đông sáng lập của VietJet Air.
Với thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, AirAsia sẽ là một trong những cổ đông sáng lập của VietJet Air.
Vietnam Airlines phản đối sự tham gia của đối tác nước ngoài vào hãng hàng không VietJet Air, nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại ủng hộ.

Trước thông tin Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air) chuyển nhượng 30% cổ phần cho hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia, vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có văn bản đề nghị Chính phủ không thông qua việc đầu tư này, với lý do có thể làm ảnh hưởng tới uy tín cũng như sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên trong công văn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia của đối tác nước ngoài vào VietJet Air, do Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu ký, Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ việc bà Nguyễn Thị Phương Thảo (cổ đông phổ thông và nắm giữ 30% cổ phần phổ thông - tương đương 30% vốn điều lệ của Vietjet Air - chuyển nhượng cổ phần cho AirAsia) không tạo nên pháp nhân mới, không phải là thành lập mới hãng hàng không tại Việt Nam. Việc chuyển nhượng này cũng đã tuân thủ các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Hàng không dân dụng và Nghị định 76/2007/NĐ-CP.

Bộ Giao thông Vận tải cũng lưu ý, việc Vietnam Airlines cho rằng AirAsia là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái của hãng hàng không Malaysia Airlines, và Thai AirAsia là một trong những nguyên nhân của hỗn loạn chính trị tại Thái Lan là không có cơ sở, và có thể gây phản ứng tiêu cực trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan.

Trong khi đó, theo Bộ, việc thành lập các hãng hàng không chi phí thấp đang là thực tiễn phát triển của ngành hàng không thế giới. Loại hình vận chuyển này được hình thành, phát triển nhằm cung cấp sản phẩm ra xã hội với dịch vụ đã được cắt giảm tối đa chi phí khai thác một cách hợp lý để chào bán vé thấp hơn so với các hãng hàng không truyền thống nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn bay theo quy định pháp luật, và cơ quan quản lý Nhà nước phải đảm bảo việc giám sát chặt chẽ để các tiêu chuẩn an toàn hàng không không bị vi phạm.

Thêm nữa, pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam không cho phép cơ quan Nhà nước hạn chế việc đầu tư nước ngoài như kiến nghị của Vietnam Airlines. Tại Việt Nam, thị trường vận chuyển hàng không cũng đã có sự tham gia của đối tác nước ngoài, như trường hợp hãng Qantas của Úc đầu tư vào Jetstar Pacific Airlines trước đây.