13:17 07/11/2010

Tranh luận từ diễn đàn Quốc hội: Nhiều chiều trách nhiệm

Nguyên Vũ

Đề nghị thành lập một ủy ban lâm thời liên quan đến Vinashin được xem là “đúng quy định của pháp luật và được nói đúng chỗ”

Đại biểu Quốc hội đã thể hiện quan điểm khác nhau về trách nhiệm quản lý, điều hành.
Đại biểu Quốc hội đã thể hiện quan điểm khác nhau về trách nhiệm quản lý, điều hành.
Đề nghị thành lập một ủy ban lâm thời để xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ liên quan đến Vinashin của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết là “đúng quy định của pháp luật và được nói đúng chỗ”…

Đó là nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, khi trao đổi với báo chí trong giờ giải lao phiên họp cuối tuần qua của Quốc hội về một vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết có thể được coi là điểm khởi đầu cho cuộc tranh luận về trách nhiệm được nối dài suốt nhiều phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, phòng chống tham nhũng… từ đầu tuần đến cuối tuần vừa qua.

Ngay từ phiên thảo luận đầu tiên trong ngày đầu tiên (1/11), sau đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (người đăng ký phát biểu thứ tư) vừa nêu quan điểm riêng về Vinashin, đại biểu Lê Văn Cuông tiếp tục phản ảnh “cử tri kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng phụ trách ngành, Bộ trưởng bộ chủ quản, thủ trưởng các bộ, ngành chức năng có liên quan, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các báo cáo của Chính phủ”.

Rồi ông thể hiện chính kiến: “Tôi tán thành ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này cần thành lập ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng loạn Nhà nước”.

Liền đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng “sẽ thật không công bằng và phải đạo” nếu cho rằng sự yếu kém về năng lực và những sai phạm của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân chính. Càng không nên đổ cho tình trạng thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế.

Bởi theo ông, “luật pháp, thể chế đều do chúng ta đặt ra. Trong một thời gian dài để thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế có vốn hàng chục nghìn tỷ đồng đang quản lý hầu hết các nguồn tài nguyên quốc gia, trước hết là khuyết điểm của Chính phủ và sau đó có trách nhiệm liên đới của Quốc hội”.

Sau ý kiến của một vị đại biểu khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn lời nhiều luật gia cho rằng “đối với việc thí điểm liên quan đến hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước, về mặt pháp luật, ngay từ đầu chúng ta lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm, mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý”.

Theo bà Lê Thị Nga, cử tri có thể đặt câu hỏi: Quốc hội khóa 11, 12 có trách nhiệm gì trong việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế lớn nắm giữ nhiều nguồn lực chủ yếu của đất nước như điện, dầu khí, khoáng sản..., để đến bây giờ khi xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin và trách nhiệm về những sai phạm khác của các tập đoàn kinh tế thì trách nhiệm của Quốc hội phải chăng chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan giám sát?

Cụ thể hơn, đại biểu Phạm Thị Loan dẫn khoản 3, điều 168, Luật Doanh nghiệp qui định: định kỳ hàng năm Chính phủ trình Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực trạng kinh doanh vốn chủ sở hữu Nhà nước và thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn đầu tư và tài sản sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. “Nhưng nhiều năm nay Quốc hội chưa nhìn thấy có bản báo cáo nào trình Quốc hội từ phía Chính phủ theo như quy định nêu trên. Vậy việc không tuân thủ pháp luật để gây hậu quả nghiêm trọng như vụ Vinashin thì trách nhiệm cuối cùng sẽ thuộc về ai?”.

Không “dày đặc” như phiên thảo luận đầu tiên, song cả ba buổi họp liền sau, những quan điểm riêng và cả những tranh luận về trách nhiệm liên quan đến Vinashin vẫn đều đặn được chuyển đến cử tri cả nước qua truyền hình trực tiếp.

Theo quan điểm của đại biểu Lê Thị Dung thì chưa thể quyết định được là “có nên bỏ phiếu bất tín nhiệm hay có thành lập ủy ban lâm thời hay không”, vì đại biểu Quốc hội khóa 11 cũng có trách nhiệm với vấn đề của Vinashin.

Rõ ràng hơn, đại biểu Bế Xuân Trường đề nghị “không nên thành lập ủy ban lâm thời để vào kiểm tra Vinashin, bởi vì trước đó Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra vào để chỉ ra vấn đề này”.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu “nhiều đại biểu cho rằng đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có từ nghị quyết, chủ trương của Đảng, giám sát của Quốc hội cho đến sự điều hành, quản lý của nhà nước”. Và theo vị đại biểu này thì “phải xác lập rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về ai để xử lý và thay đổi cơ chế”.

Là đại biểu Hải Phòng, sau khi đã nghe 77 ý kiến phát biểu, trong đó có rất nhiều quan điểm khác nhau về Vinashin, ông Trần Bá Thiều “kiến nghị với Quốc hội yêu cầu lãnh đạo Vinashin có một buổi báo cáo truyền hình trực tiếp trước Quốc hội” để cho nhân dân và cho đại biểu Quốc hội tường tận về tình hình Vinashin hiện nay.

“Tôi thấy trách nhiệm là phải làm với tinh thần như thế’, đại biểu Thiều nhấn mạnh.

Kết thúc hai ngày thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói, “việc thành lập hay không thành lập ủy ban lâm thời của Quốc hội cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau, phải được xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo Quốc hội vào phiên họp khác tại kỳ họp này”.

Và, 4 ngày sau, tiếp tục khẳng định điều này với báo chí, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh việc xem xét kiến nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phải bàn tập thể, theo quy trình, đúng pháp luật. Và người có trách nhiệm cao nhất của Quốc hội sẽ đưa ra câu trả lời vào một “phiên họp khác tại kỳ họp này”.

Trao đổi với VnEconomy, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ông tin tưởng là câu trả lời sẽ có rất nhanh, vì “cách giải quyết vấn đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa này rất nhanh chóng”.

Đại biểu Thuyết cũng cho biết, ông chưa đồng tình với ý kiến cho rằng "Quốc hội chịu trách nhiệm" vì đó là cách nói là ẩn vào số đông, vì trong tập thể 500 người thì biết kỷ luật ai. Vì vậy, trách nhiệm của Quốc hội là phải làm rõ trách nhiệm.