Quyết liệt “truy” trách nhiệm về Vinashin và điện
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã quyết liệt đề nghị phải làm rõ trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành
Ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong phát triển, kinh tế - xã hội, song tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay (1/11), nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng đã quyết liệt đề nghị phải làm rõ trách nhiệm cụ thể trước những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt sau sự "sụp đổ" của Vinashin và tình trạng thiếu điện triền miên, trầm trọng hiện nay.
Cần nghị quyết chuyên đề về Vinashin
Cũng như cử tri cả nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ vui mừng trước kết quả đã đạt được trong năm 2010. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009 đã đạt được.
Trong 21 chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Dù rất “đau xót và khó khăn”, song ngay từ đầu phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã “ trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập một ủy ban lâm thời, xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin”.
Theo phân tích của ông Thuyết, việc Vinashin sụp đổ đã chất lên vai người dân món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, “món nợ mà một tỉnh có thu nhập cỡ 1.000 tỷ đồng/năm phải làm quần quật không ăn uống, mua sắm, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi".
Trước đó, đại biểu Vũ Quang Hải cũng nêu "có khoảng 80.000 tỷ đồng chìm theo con tàu Vinashin, tương đương khoảng 4 tỷ đô la, nhưng theo số liệu của kiểm toán độc lập thì con số này lên tới 96.635 tỷ, thậm chí có những con số lên đến 120.000 tỷ".
Đồng tình với đề xuất của đại biểu Thuyết, đại biểu Lê Văn Cuông nêu quan điểm, mọi chuyện phải được giải quyết dứt điểm ngay kỳ họp thứ tám này.
Ông Cuông phê phán, "Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ, các bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Vị đại biểu này cũng nhớ lại cách đây mấy năm, có thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã giải trình "tiền cấp cho người ta rồi, người ta muốn làm gì tùy họ, mình quản sao được". Nên, hệ lụy để Vinashin sụp đổ thảm hại như hôm nay cũng là điều dễ hiểu.
Có điều, ông Cuông tiếp lời, "để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế nếu ở các nước, chính phủ hoặc ít ra có vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở nước ta thì chưa". Cho nên cử tri kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các báo cáo của Chính phủ.
Tiếp đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh: "Tôi và nhiều cử tri hiện nay đang quan tâm nhiều hơn về các vấn đề của "hậu Vinashin", và kế đó là "tân Vinashin". Sau sự kiện Vinashin, liệu sẽ còn những Vinashin nào khác trong số các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Các lỗ hổng về luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế và các công ty sẽ được khắc phục như thế nào. Những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc buông lỏng quản lý để gây ra hậu quả nghiêm trọng của Vinashin phải được truy cứu trách nhiệm thế nào cho công minh...".
Cho rằng, những câu hỏi đó rất khó trả lời, nhưng đại biểu Đáng vẫn "đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc có lời đáp thỏa đáng với cử tri cả nước và đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về các vấn đề này".
Cũng liên quan đến Vinashin, đại biểu Phạm Thị Loan băn khoăn: ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc để Vinashin rơi vào tình trạng như vậy. Trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ và các bộ, ngành, cá nhân liên quan như thế nào?
Theo vị đại biểu này thì không thể nói một cách đơn giản là do các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Vinashin, một mình Vinashin không thể làm sai luật được.
"Chúng tôi tự hỏi, ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với lượng tiền lớn như vậy? Ai đã cho phép Vinashin vay vượt hạn mức quy định của một khách hàng theo quy định của luật là 15% vốn điều lệ của ngân hàng. Và tại sao Quốc hội đã có quyết định đưa Vinashin vào danh sách giám sát từ năm 2009 nhưng Chính phủ vẫn đề nghị để hoãn lại, cho Thanh tra Chính phủ làm việc trước và cho đến bây giờ kiểm toán Nhà nước của Quốc hội vẫn chưa vào kiểm toán được. Vậy tại sao Thanh tra Chính phủ vẫn không phát hiện ra điều gì. Vậy tất cả những việc đó là xuất phát từ mục đích gì, trách nhiệm thuộc về ai?", hàng loạt câu hỏi liên tiếp được bà Loan đặt ra.
"Tôi đồng tình với các ý kiến trước tôi về việc phải quy trách nhiệm đến cùng và đặc biệt Quốc hội, Đảng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý Nhà nước. Theo tôi nghĩ, những người làm sai cũng cần phải có một lời xin lỗi với nhân dân và có lẽ là cũng nên nghĩ đến văn hóa từ chức", đại biểu Loan đề nghị.
Vẫn liên quan đến Vinshin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm và lập tập đoàn.
Đại biểu Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh những cố gắng của Thủ tướng, của Chính phủ và những đóng góp của các tập đoàn thời gian qua, nhất là việc Chính phủ đã kịp thời tái cơ cấu Vinashin. Việc thua lỗ của Vinashin là bài học lớn, trong đó có cả trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội."
Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng dẫn ý kiến nhiều luật gia cho rằng, việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu chúng ta lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý.
Cũng là câu hỏi về trách nhiệm, song theo bà Nga, cần quan tâm đến câu hỏi của cử tri là Quốc hội khóa XI, XII có trách nhiệm gì trong việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế lớn nắm giữ nhiều nguồn lực chủ yếu của đất nước như điện, dầu khí, khoáng sản..., để đến bây giờ khi xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin và trách nhiệm về những sai phạm khác của các tập đoàn kinh tế thì trách nhiệm của Quốc hội phải chăng chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan giám sát?
Đại biểu Nga kiến nghị, ngoài Vinashin đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn lại, nhất là đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở đó báo cáo với Quốc hội toàn diện về tổ chức và họat động của các tập đoàn thí điểm. Nếu khẳng định thành công thì đề nghị Quốc hội sửa luật, để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Thiếu điện: Đừng tranh luận mà hãy làm
Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là một trong hai vị bộ trưởng đã đăng đàn trong ít phút. Bởi những câu hỏi về trách nhiệm trong tình trạng triền miên thiếu điện hơn một lần được nhấn mạnh tại các phát biểu từ đầu phiên thảo luận.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh, hơn 10 năm qua năm nào cũng thiếu điện, cử tri nói “các vị đừng tranh luận nữa, mà hãy làm đi cho dân nhờ”. "Kỳ họp này nên yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam phải đến báo cáo và giải trình trước QH để tìm giải pháp", ông Đáng mạnh mẽ đề nghị.
Cho rằng EVN là doanh nghiệp độc quyền sản xuất, nhiều năm qua là "con cưng" của nền kinh tế, đại biểu Lê Văn Cuông nêu vấn đề “thử hỏi vai trò đầu tàu của nhà nước ở đâu, khi mà thiếu điện triền miên, nhưng cứ hứa tới hứa lui?”.
"Để thiếu điện nhiều năm liên tục, ai là người chịu trách nhiệm chính, cần báo cáo trước Quốc hội để có gì vướng mắc thì cùng tháo gỡ", ông Cuông nói.
Ngay sau đó, đại biểu Phạm Thị Loan cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của EVN khi họ có tiền để đầu tư chứng khoán, tài chính, có hàng ngàn tỷ đồng thưởng Tết, hà cớ gì không có tiền đầu tư các dự án điện và liên tục đòi tăng giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phân trần, năm 2010, đặc biệt là trong mùa khô, tình hình cung ứng điện nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, có trách nhiệm về mặt chỉ đạo thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện theo quy hoạch 6. Nếu thực hiện đúng tiến độ yêu cầu đã không thiếu điện như thời gian vừa rồi.
Bộ trưởng cho biết, theo tính toán từ 2006 - 2015, bình quân mỗi năm tăng trọng tải điện từ 15 - 16%, những năm kế tiếp cũng thế. Năm nay cũng vậy, dự báo tương đối phù hợp với diễn biến, nhưng thực tế huy động các nguồn điện khác vào sản xuất chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân là thiếu vốn.
Trước tình hình đó, Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và chỉ đạo một số tập đoàn chủ lực xây dựng cung ứng điện, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện. Phải có nguồn mới có khả năng cung ứng, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ và các ngành nhanh chóng đưa nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng và một số nơi vào sử dụng, nhưng còn khiếm khuyết kỹ thuật trong quá trình chạy thử. Chính phủ yêu cầu cuối 2010, chậm nhất 2011 đưa các nhà máy này hoạt động ổn định.
Giải pháp nữa được Bộ trưởng nhắc tới là tái cơ cấu ngành điện. Năm 2009, phối hợp các bộ ngành xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện nhưng do nhiều lý do chưa thực hiện được. Cuối 2010 sẽ trình Chính phủ đề án đó, Bộ trưởng cho biết.
Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Hoàng nêu ra là xây dựng phương án chủ động cung ứng điện trong bất kỳ tình huống nào xảy ra. Trong năm tới, phải cung ứng đáp ứng được hai mục tiêu: phục vụ sản xuất và tiêu dùng điện của dân. Sẽ rà soát một số dự án tiêu điện nhiều (thép) do công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, sẽ yêu cầu thay đổi công nghệ tiết kiệm điện và nếu không thực hiện được thì sẽ đình chỉ thực hiện dự án.
Giải pháp thứ tư là theo cơ chế giá thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện theo cơ chế này, những hộ nghèo, khó khăn sẽ có hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước. Các hộ bình thường sẽ có biện pháp vừa khuyến khích tiết kiệm điện, vừa sử dụng có hiệu quả, Bộ trưởng cho biết. Vận động sử dụng tiết kiệm điện là giải pháp thứ năm được Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội.
Cần nghị quyết chuyên đề về Vinashin
Cũng như cử tri cả nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ vui mừng trước kết quả đã đạt được trong năm 2010. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009 đã đạt được.
Trong 21 chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Dù rất “đau xót và khó khăn”, song ngay từ đầu phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã “ trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập một ủy ban lâm thời, xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin”.
Theo phân tích của ông Thuyết, việc Vinashin sụp đổ đã chất lên vai người dân món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, “món nợ mà một tỉnh có thu nhập cỡ 1.000 tỷ đồng/năm phải làm quần quật không ăn uống, mua sắm, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi".
Trước đó, đại biểu Vũ Quang Hải cũng nêu "có khoảng 80.000 tỷ đồng chìm theo con tàu Vinashin, tương đương khoảng 4 tỷ đô la, nhưng theo số liệu của kiểm toán độc lập thì con số này lên tới 96.635 tỷ, thậm chí có những con số lên đến 120.000 tỷ".
Đồng tình với đề xuất của đại biểu Thuyết, đại biểu Lê Văn Cuông nêu quan điểm, mọi chuyện phải được giải quyết dứt điểm ngay kỳ họp thứ tám này.
Ông Cuông phê phán, "Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ, các bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Vị đại biểu này cũng nhớ lại cách đây mấy năm, có thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã giải trình "tiền cấp cho người ta rồi, người ta muốn làm gì tùy họ, mình quản sao được". Nên, hệ lụy để Vinashin sụp đổ thảm hại như hôm nay cũng là điều dễ hiểu.
Có điều, ông Cuông tiếp lời, "để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế nếu ở các nước, chính phủ hoặc ít ra có vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở nước ta thì chưa". Cho nên cử tri kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các báo cáo của Chính phủ.
Tiếp đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh: "Tôi và nhiều cử tri hiện nay đang quan tâm nhiều hơn về các vấn đề của "hậu Vinashin", và kế đó là "tân Vinashin". Sau sự kiện Vinashin, liệu sẽ còn những Vinashin nào khác trong số các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Các lỗ hổng về luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế và các công ty sẽ được khắc phục như thế nào. Những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc buông lỏng quản lý để gây ra hậu quả nghiêm trọng của Vinashin phải được truy cứu trách nhiệm thế nào cho công minh...".
Cho rằng, những câu hỏi đó rất khó trả lời, nhưng đại biểu Đáng vẫn "đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc có lời đáp thỏa đáng với cử tri cả nước và đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về các vấn đề này".
Cũng liên quan đến Vinashin, đại biểu Phạm Thị Loan băn khoăn: ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc để Vinashin rơi vào tình trạng như vậy. Trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ và các bộ, ngành, cá nhân liên quan như thế nào?
Theo vị đại biểu này thì không thể nói một cách đơn giản là do các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Vinashin, một mình Vinashin không thể làm sai luật được.
"Chúng tôi tự hỏi, ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với lượng tiền lớn như vậy? Ai đã cho phép Vinashin vay vượt hạn mức quy định của một khách hàng theo quy định của luật là 15% vốn điều lệ của ngân hàng. Và tại sao Quốc hội đã có quyết định đưa Vinashin vào danh sách giám sát từ năm 2009 nhưng Chính phủ vẫn đề nghị để hoãn lại, cho Thanh tra Chính phủ làm việc trước và cho đến bây giờ kiểm toán Nhà nước của Quốc hội vẫn chưa vào kiểm toán được. Vậy tại sao Thanh tra Chính phủ vẫn không phát hiện ra điều gì. Vậy tất cả những việc đó là xuất phát từ mục đích gì, trách nhiệm thuộc về ai?", hàng loạt câu hỏi liên tiếp được bà Loan đặt ra.
"Tôi đồng tình với các ý kiến trước tôi về việc phải quy trách nhiệm đến cùng và đặc biệt Quốc hội, Đảng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý Nhà nước. Theo tôi nghĩ, những người làm sai cũng cần phải có một lời xin lỗi với nhân dân và có lẽ là cũng nên nghĩ đến văn hóa từ chức", đại biểu Loan đề nghị.
Vẫn liên quan đến Vinshin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm và lập tập đoàn.
Đại biểu Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh những cố gắng của Thủ tướng, của Chính phủ và những đóng góp của các tập đoàn thời gian qua, nhất là việc Chính phủ đã kịp thời tái cơ cấu Vinashin. Việc thua lỗ của Vinashin là bài học lớn, trong đó có cả trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội."
Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng dẫn ý kiến nhiều luật gia cho rằng, việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu chúng ta lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý.
Cũng là câu hỏi về trách nhiệm, song theo bà Nga, cần quan tâm đến câu hỏi của cử tri là Quốc hội khóa XI, XII có trách nhiệm gì trong việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế lớn nắm giữ nhiều nguồn lực chủ yếu của đất nước như điện, dầu khí, khoáng sản..., để đến bây giờ khi xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin và trách nhiệm về những sai phạm khác của các tập đoàn kinh tế thì trách nhiệm của Quốc hội phải chăng chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan giám sát?
Đại biểu Nga kiến nghị, ngoài Vinashin đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn lại, nhất là đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở đó báo cáo với Quốc hội toàn diện về tổ chức và họat động của các tập đoàn thí điểm. Nếu khẳng định thành công thì đề nghị Quốc hội sửa luật, để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Thiếu điện: Đừng tranh luận mà hãy làm
Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là một trong hai vị bộ trưởng đã đăng đàn trong ít phút. Bởi những câu hỏi về trách nhiệm trong tình trạng triền miên thiếu điện hơn một lần được nhấn mạnh tại các phát biểu từ đầu phiên thảo luận.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh, hơn 10 năm qua năm nào cũng thiếu điện, cử tri nói “các vị đừng tranh luận nữa, mà hãy làm đi cho dân nhờ”. "Kỳ họp này nên yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam phải đến báo cáo và giải trình trước QH để tìm giải pháp", ông Đáng mạnh mẽ đề nghị.
Cho rằng EVN là doanh nghiệp độc quyền sản xuất, nhiều năm qua là "con cưng" của nền kinh tế, đại biểu Lê Văn Cuông nêu vấn đề “thử hỏi vai trò đầu tàu của nhà nước ở đâu, khi mà thiếu điện triền miên, nhưng cứ hứa tới hứa lui?”.
"Để thiếu điện nhiều năm liên tục, ai là người chịu trách nhiệm chính, cần báo cáo trước Quốc hội để có gì vướng mắc thì cùng tháo gỡ", ông Cuông nói.
Ngay sau đó, đại biểu Phạm Thị Loan cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của EVN khi họ có tiền để đầu tư chứng khoán, tài chính, có hàng ngàn tỷ đồng thưởng Tết, hà cớ gì không có tiền đầu tư các dự án điện và liên tục đòi tăng giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phân trần, năm 2010, đặc biệt là trong mùa khô, tình hình cung ứng điện nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, có trách nhiệm về mặt chỉ đạo thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện theo quy hoạch 6. Nếu thực hiện đúng tiến độ yêu cầu đã không thiếu điện như thời gian vừa rồi.
Bộ trưởng cho biết, theo tính toán từ 2006 - 2015, bình quân mỗi năm tăng trọng tải điện từ 15 - 16%, những năm kế tiếp cũng thế. Năm nay cũng vậy, dự báo tương đối phù hợp với diễn biến, nhưng thực tế huy động các nguồn điện khác vào sản xuất chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân là thiếu vốn.
Trước tình hình đó, Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và chỉ đạo một số tập đoàn chủ lực xây dựng cung ứng điện, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện. Phải có nguồn mới có khả năng cung ứng, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ và các ngành nhanh chóng đưa nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng và một số nơi vào sử dụng, nhưng còn khiếm khuyết kỹ thuật trong quá trình chạy thử. Chính phủ yêu cầu cuối 2010, chậm nhất 2011 đưa các nhà máy này hoạt động ổn định.
Giải pháp nữa được Bộ trưởng nhắc tới là tái cơ cấu ngành điện. Năm 2009, phối hợp các bộ ngành xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện nhưng do nhiều lý do chưa thực hiện được. Cuối 2010 sẽ trình Chính phủ đề án đó, Bộ trưởng cho biết.
Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Hoàng nêu ra là xây dựng phương án chủ động cung ứng điện trong bất kỳ tình huống nào xảy ra. Trong năm tới, phải cung ứng đáp ứng được hai mục tiêu: phục vụ sản xuất và tiêu dùng điện của dân. Sẽ rà soát một số dự án tiêu điện nhiều (thép) do công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, sẽ yêu cầu thay đổi công nghệ tiết kiệm điện và nếu không thực hiện được thì sẽ đình chỉ thực hiện dự án.
Giải pháp thứ tư là theo cơ chế giá thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện theo cơ chế này, những hộ nghèo, khó khăn sẽ có hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước. Các hộ bình thường sẽ có biện pháp vừa khuyến khích tiết kiệm điện, vừa sử dụng có hiệu quả, Bộ trưởng cho biết. Vận động sử dụng tiết kiệm điện là giải pháp thứ năm được Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội.