07:39 02/10/2024

Triển vọng doanh nghiệp vật liệu ra sao sau cơn bão Yagi càn quét miền Bắc?

Thu Minh

Miền Bắc tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ngành tôn mạ với mức tăng trưởng 4,8%, do nhu cầu xây dựng lại các công trình bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sản lượng tiêu thụ tôn mạ ghi nhận mức tăng trưởng tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm, lũy kế tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 1.527 nghìn tấn tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường miền Nam tiếp tục dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ nội địa với 922.951 tấn, chiếm 60,4% tổng sản lượng. Tuy nhiên, thị trường miền Bắc có xu hướng tăng trưởng sản lượng tốt hơn với mức tăng 21,8%, nhờ vào sự phục hồi của ngành bất động sản tương đối tốt so với thị trường trong Nam.

Thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh với tổng sản lượng đạt 2.152 nghìn tấn tăng 48% so với cùng kỳ, với ba thị trường xuất khẩu trọng điểm là khu vực ASEAN (26,1%), EU (25,3%) và Mỹ (14,5%).

Về giá thép, chênh lệch về giá giữa HRC trong nước và khu vực EU, Bắc Mỹ có xu hướng giảm từ tháng 2/2024 và phục hồi từ đầu tháng 9 khi giá HRC trong nước tiếp tục suy giảm trong khi giá tại Bắc Mỹ phục hồi nhẹ và EU vẫn đi ngang.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị phần nội địa, với sản lượng lũy kế chiếm 34% tại khu vực miền Bắc và 21% tại miền Nam, tăng 0,5% về thị phần trong 8 tháng đầu năm 2024. Thép Nam Kim (NKG) cũng ghi nhận thị phần tăng 0,5 điểm %, trong khi Tôn Đông Á (GDA) sụt giảm 2,3% (do công ty đã chạy hết công suất của các nhà máy hiện tại).

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu lần lượt là HSG với 651.779 tấn tăng 53,9%, NKG đạt 458.300 tấn tăng 27,8% và GDA với 363.855 tấn tăng 27,4%.

Nhận định về triển vọng doanh nghiệp ngành vật liệu năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng năm 2024 ngành tôn mạ có thể đạt 2,3 triệu tấn tăng 11%, xuất khẩu đạt gần 2,9 triệu tấn tăng 30%. Tương ứng trong quý 4, sản lượng nội địa và xuất khẩu lần lượt đạt 600.000 tấn giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 587.000 tăng nhẹ 0,5%.

Trong đó, miền Bắc tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng trưởng 4,8%, do nhu cầu xây dựng lại các công trình bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Xuất khẩu có phần sụt giảm do ảnh hưởng của biên độ lệch giá HRC duy trì ở mức thấp trong Q3/2024.

Triển vọng doanh nghiệp vật liệu ra sao sau cơn bão Yagi càn quét miền Bắc?   - Ảnh 1

Với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Trong trường hợp DOC nhận thấy có dấu hiệu chống bán phá giá từ các nhà sản xuất thép Việt Nam, sẽ tác động tiêu cực đến số lượng các đơn hàng doanh nghiệp tôn mạ trong Q4/2024.

Về giá hàng hóa (HRC), VDSC cho rằng đà giảm của HRC Trung Quốc sẽ chững lại sau những chính sách hỗ trợ ngành bất động sản, từ đó có thể kì vọng giá HRC (Trung Quốc và Việt Nam) tạo đáy trong Q3/2024. Cùng với đó, xu hướng HRC ở các thị trường Mỹ và EU đã có dấu hiệu phục hồi, giúp kì vọng biên độ chệnh lệch giữa giá HRC trong nước và thế giới có thế nới rộng trong giai đoạn cuối năm 2024, cải thiện biên lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Cho giai đoạn cuối năm 2024, VDSC ưu tiên lựa chọn cổ phiếu HSG, với giá mục tiêu khuyến nghị ở mức 23.500 đồng tương ứng mức tăng giá 12,2% so với giá đóng cửa ngày 27/09/2024.

Trong ngành tôn mạ, HSG được đánh giá là lựa chọn phù hợp vì các kỳ vọng: Thị trường bất động sản trong nước phục hồi, đặc biệt khu vực phía Bắc, và HSG đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tại các thị trường, Mức độ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của HSG giảm dần (khi tỷ lệ xuất khẩu 2 tháng gần nhất dưới 60%), qua đó mức độ ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp do biến động chênh lệch giữa giá thép các thị trường sẽ giảm.

Giá HRC Trung Quốc tạo đáy dự kiến sẽ làm kiềm hãm đà giảm của giá thép nội địa, và doanh nghiệp có thể cải thiện biên lợi nhuận nội địa trong Q4/2024.