12:00 20/02/2021

Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu công nghệ đất hiếm vì an ninh quốc gia

Ngọc Trang

Trung Quốc cũng đang cân nhắc cấm xuất khẩu đất hiếm như một phần của các lệnh cấm vận nhằm vào một số công ty

Trung Quốc gần như thống trị ngành khai thác đất hiếm toàn cầu - Ảnh: Getty Images
Trung Quốc gần như thống trị ngành khai thác đất hiếm toàn cầu - Ảnh: Getty Images

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, Trung Quốc có thể ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ tinh chế đất hiếm cho các nước hoặc công ty bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia. 

Nguồn tin cho biết chính phủ Trung Quốc đang triển khai đánh giá lại chính sách đất hiếm của mình. Bắc Kinh xem công nghệ tinh chế đất hiếm từ nguyên liệu thô là một vũ khí mạnh hơn so với chính đất hiếm trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. 

Dù không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, Trung Quốc vẫn dự phòng kế hoạch này trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, nguồn tin cho hay.  

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang cân nhắc cấm xuất khẩu đất hiếm như một phần của các lệnh cấm vận nhằm vào một số công ty, bao gồm Lockheed Martin Corp - bị xem là vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc khi bán vũ khí cho Đài Loan. 

Thông tin này lập tức đẩy giá cổ phiếu của MP Materials Corp., công ty sản xuất đất hiếm duy nhất tại Mỹ, tăng 6,4% trong phiên giao dịch ngày 19/2. Cổ phiếu này cũng lập kỷ lục 46,64 USD/cổ phiếu trong phiên. 

Tháng 11/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tài trợ cho MP Materials Corp 9,6 triệu USD để xử lý và phân tách đất hiếm nhẹ tại các mỏ Mountain Pass - mỏ duy nhất tại Mỹ hiện còn khai thác đất hiếm. Động thái này cho thấy tham vọng mở rộng sản xuất đất hiếm trong nước của Mỹ.

Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được xem là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" bởi là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác. 

Tuy nhiên, việc chiết xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô vô cùng khó khăn và tốn kém với chúng không tập trung ở một nơi với hàm lượng đủ lớn để khai thác hiệu quả về kinh tế. Ngoài ra, việc khai thác và xử lý đất hiếm cũng gây tàn phá môi trường nghiêm trọng nên các quốc gia phương Tây thường hạn chế khai thác trong nước. 

Suốt nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc gần như thống trị ngành khai thác đất hiếm toàn cầu. Điều này khiến các ngành công nghiệp ở nước ngoài không thể lập tức tìm được nguồn cung nếu Bắc Kinh đưa ra các biện pháp hạn chế. 

Đất hiếm từng được xem là một vũ khí trong trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi vào năm 2019, Bắc Kinh chuẩn bị sẵn một kế hoạch để hạn chế xuất khẩu mặt hàng này nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. 

Khoáng sản này trước đây đã được coi là một vũ khí có thể có trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Vào năm 2019, Bắc Kinh đã chuẩn bị kế hoạch hạn chế xuất khẩu mặt hàng này nhằm gây gây áp lực cho Mỹ. Dù các biện pháp này chưa từng được áp dụng, nhưng cũng khiến Mỹ và châu Âu phải gấp rút tìm cách giảm sự phụ thuộc đất hiếm vào một nguồn cung duy nhất. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nước này nhập khẩu khoảng 80% hợp chất đất hiếm và kim loại từ Trung Quốc.

Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhằm thúc đẩy sản lượng đất hiếm trong nước. Chính phủ Mỹ cũng ký nhiều hợp đồng và thỏa thuận đầu tư nhằm tăng cường năng lượng khai thác đất hiếm. 

Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu Zion Market Reseach (Ấn Độ), thị trường đất hiếm thế giới đạt giá trị 8,1 tỷ USD năm 2018 và được dự báo sẽ tăng lên 14,4 tỷ USD vào năm 2025.