16:27 08/05/2025

Điều gì khiến Brazil tăng lãi suất lên mức cao nhất 20 năm?

Bình Minh

Với mức lãi suất như hiện nay, Brazil là một trong những nền kinh tế mới nổi có lãi suất cao nhất trên thế giới...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Brazil ở Brasilia - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Brazil ở Brasilia - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 7/5 tăng lãi suất lần thứ 6 liên tiếp, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất chính sách lên mức cao nhất gần 20 năm, trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu nhiều bấp bênh và lạm phát trong nước dai dẳng ở mức cao.

Với đợt tăng này, lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương Brazil tăng lên mức 14,75%, cao nhất kể từ tháng 8/2006 - một kết quả đã được các nhà kinh tế dự báo từ trước. Các nhà hoạch định chính sách của quốc gia Nam Mỹ này nhấn mạnh rằng môi trường hiện tại đòi hỏi “thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong một thời gian dài” để đưa lạm phát về mục tiêu.

Nhà kinh tế trưởng Flavio Serrano của ngân hàng BMG Bank nói rằng Ngân hàng Trung ương Brazil để ngỏ khả năng có một đợt tăng lãi suất với mức tăng nhỏ hơn vào tháng 6, nhưng ông cho rằng điều đó sẽ không trở thành hiện thực. “Kịch bản chính của tôi là lãi suất sẽ không tăng thêm vào tháng 6 mà giữ ở mức 14,75%. Có thể có dư địa cho việc giảm lãi suất vào cuối năm, tùy theo triển vọng kinh tế sẽ diễn biến như thế nào”, ông Serrano nói với hãng tin Reuters.

Hồi tháng 3, Ngân hàng Trung ương Brazil đã đề cập tới sự cần thiết phải tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 5 nhưng với mức tăng chậm hơn sau 3 lần tăng tròn 1 điểm phần trăm mỗi lần trước đó.

Lãi suất ở Brazil cao ngất ngưởng trong bối cảnh tốc độ lạm phát hàng năm ở nước này là gần 5,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu chính thức 3%. Giới phân tích cho rằng lạm phát ở Brazil có thể phải đến năm 2028 mới giảm về mức mục tiêu.

Với mức lãi suất như hiện nay, Brazil là một trong những nền kinh tế mới nổi có lãi suất cao nhất trên thế giới. Hồi trung tuần tháng 4, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng lãi suất chủ chốt 3,5 điểm phần trăm lên 46% để chống lại lạm phát cao  gần 40% và làn sóng rút vốn của nhà đầu tư khỏi nước này.

Từ tháng 9 tới nay, Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất tổng cộng 4,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, sau cuộc họp vừa rồi, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhấn mạnh rằng họ mới nhận thấy “tăng trưởng kinh tế chớm yếu đi”, với các chỉ số hoạt động kinh tế trong nước và thị trường lao động vẫn còn mạnh.

Dù vậy, áp lực lạm phát đối với Brazil đang có chiều hướng bớt căng thẳng vì giá hàng hóa cơ bản giảm xuống theo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Bối cảnh bên ngoài cho thấy triển vọng giảm lạm phát tăng lên so với kỳ vọng trước đây. Điều này có thể dẫn tới việc tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 6”, nhà kinh tế trưởng Rafaela Vitoria của ngân hàng Inter nhận xét.

Tình trạng bất định của nền kinh tế toàn cầu do chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến Ngân hàng Trung ương Brazil nhấn mạnh về sự cần thiết phải cẩn trọng và linh hoạt trong chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này nói rằng bối cảnh toàn cầu hiện nay khiến họ khó đưa ra định hướng chính sách và đòi hỏi phải có một bộ dữ liệu rộng hơn và đa dạng hơn để xá định xem liệu chính sách tiền tệ có đang mang lại những hiệu ứng như mong muốn hay không.

Mối lo về tăng trưởng kinh tế Brazil đang tăng lên dù công tác chống lạm phát đang có những điều kiện thuận lợi hơn, bao gồm đồng nội tệ real của Brazil tăng giá và giá hàng hóa cơ bản giảm xuống.

Trong khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, Chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm nới lỏng các quy định về khoản vay trừ dần vào tiền lương của người lao động.

Ngân hàng Trung ương Brazil đã hạ dự báo lạm phát năm 2025 về mức 4,8% từ mức dự báo 5,1% đưa ra hồi tháng 3.

Về tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính nước này ít đây dự báo nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, sau khi tăng 3,4% trong năm ngoái và 3,2% trong năm 2023.