Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng nhiều vật liệu quan trọng
Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng các vật liệu quan trọng đối với thế giới như nhôm, lithium, cobalt, đất hiếm...
Nhu cầu với các vật liệu quan trọng như đồng, cobalt, lithium và nickel trên thế giới đang có xu hướng gia tăng mạnh, trong bối cảnh những vật liệu thô này ngày càng được sử dụng nhiều trong các công nghệ mới, từ xe điện cho tới tua-bin năng lượng gió, phục vụ cho quá trình dịch chuyển xanh trên toàn cầu.
Các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tới năm 2050, sản lượng cobalt, graphite và lithium sẽ tăng gấp gần 6 lần so với hiện tại.
Dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đồ thị thông tin dưới đây gồm các quốc gia có sản lượng lớn nhất về một số vật liệu quan trọng.
Theo đó, Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng các vật liệu quan trọng toàn cầu. Dù hoạt động khai thác diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% hoạt động tinh chế nhôm, lithium và cobalt; khoảng 90% đất hiếm và mangan; và 100% graphite tự nhiên. Ngoài ra, hơn 30% hoạt động chế biến đồng và nickel toàn đầu diễn ra ở Trung Quốc.
Dù vẫn dẫn đầu nhưng vị thế thống trị về sản lượng các vật liệu quan trọng của Trung Quốc đang giảm dần. Ví dụ, với đất hiếm, sản lượng của Mỹ và Australia đã có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 và tăng mạnh nhất những năm gần đây. Trong khi đó, Myanmar và Thái Lan đều đã bắt đầu đẩy mạnh khai thác đất hiếm. Đây là loại vật liệu quan trọng với ngành chip toàn cầu.