14:21 04/08/2011

Trung Quốc sẽ cải tổ mạnh mẽ “siêu” Bộ Đường sắt

Kiều Oanh

Bộ Đường sắt Trung Quốc có nhiều nhân viên hơn cả Chính phủ Mỹ và vay nợ nhiều hơn cả nền kinh tế Đan Mạch

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Trung Quốc hôm 23/7 - Ảnh: Reuters.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Trung Quốc hôm 23/7 - Ảnh: Reuters.
Tai nạn tàu cao tốc thảm khốc xảy ra ở Trung Quốc cách đây ít lâu có thể sẽ thúc đẩy công tác cải tổ “siêu” Bộ Đường sắt của nước này. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, với vai trò điều hành hệ thống đường ray lớn thứ nhì thế giới, Bộ Đường sắt Trung Quốc có nhiều nhân viên hơn cả Chính phủ Mỹ và vay nợ nhiều hơn cả nền kinh tế Đan Mạch.

Thời gian gần đây, dư luận tỏ ra khá quan ngại về tình hình các dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Đã xuất hiện những ý kiến của các học giả trong vài ngoài Trung Quốc về tình hình nợ nần chồng chất, tham nhũng và bè đảng trong Bộ Đường sắt nước này, mức độ hiệu quả kém của các dự án, tính an toàn của các chuyến tàu… Những quan ngại này càng gia tăng sau khi hai tàu cao tốc đâm vào nhau và làm 40 người thiệt mạng hôm 23/7 vừa qua.

Theo hãng tin Bloomberg, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những thách thức mà tham vọng tàu cao tốc của Trung Quốc gặp phải xuất phát từ vai trò “vừa đá bóng vừa thổi còi” của Bộ Đường sắt nước này. Bộ này không chỉ đóng vai trò là cơ quan chức năng giám sát mà còn vận hành các đoàn tàu.

Sau tai nạn tàu cao tốc vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cam kết sẽ chú trọng nhiều hơn đối với vấn đề an toàn của các đoàn tàu cao tốc và tăng cường tính trách nhiệm của cơ quan chức năng. Những phát ngôn này của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc có thể là một tín hiệu cho thấy, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho việc tách rời vai trò giám sát và vận hành hoạt động đường sắt của Bộ Đường sắt nước này.

Phát biểu trên Bloomberg, giáo sư kinh tế học Hu Xingdu thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định, việc tách rời các vai trò trên có thể tăng cường quản lý, tính minh bạch về tài chính và an toàn cho hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc. “Nhiều năm qua, Bộ Đường sắt đã hoạt động như một vương triều độc lập. Sự tập trung quyền lực đã dẫn tới tình trạng kém hiệu quả, những sai phạm trong quản lý và tham nhũng”, ông Hu nói.

Theo công bố mới đây, Bộ Đường sắt Trung Quốc đang nợ khoảng 2,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 326 tỷ USD, bằng khoảng 5% GDP cả nước. Bộ này cũng đang đối mặt với cuộc điều tra tham nhũng cũng sự bất bình gia tăng của dư luận sau vụ tai nạn chết người vừa qua.

“Vai trò ‘trọng tài kiêm người chơi’ của Bộ Đường sắt nên chấm dứt. Vụ tai nạn có thể là chất xúc tác cho công tác cải tổ”, giáo sư chính sách công và chính trị Mao Shoulong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét.

Việc tách rời hai vai trò giám sát và vận hành của Bộ Đường sắt sẽ đưa ngành đường sắt Trung Quốc về chung khuôn khổ với các ngành quốc doanh khác của Trung Quốc như hàng không, viễn thông và năng lượng. Ở những ngành này, các công ty nhà nước trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày trong từng lĩnh vực, trong khi việc giám sát các doanh nghiệp này thuộc về các cơ quan nhà nước khác.

Giáo sư Hu cho biết, Bộ Đường sắt Trung Quốc có tổng cộng 2,1 triệu quan chức và nhân viên, sở hữu hệ thống tòa án riêng, có độ tập trung quyền lực cao nhờ vai trò truyền thống về quốc phòng.

Theo nhà phân tích Karen Li thuộc ngân hàng JPMorgan Chase ở Hồng Kông, Chính phủ Trung Quốc có thể giảm tốc kế hoạch xây mới được sắt cao tốc trong khoảng 1 năm.

Ngay trước khi xảy ra vụ tai nạn vừa qua, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án do tình trạng thắt chặt tín dụng và nỗi lo ngại của giới đầu tư đối với tình trạng nợ nần của bộ này. Bộ Đường sắt hiện là tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất ở Trung Quốc.

Trong đợt phát hành 20 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 1 năm hôm 21/7, Bộ Đường sắt Trung quốc chỉ bán được lượng trái phiếu trị giá 18,7 tỷ Nhân dân tệ. Theo công ty Goutai Junan Securities, đây có thể là lần đầu tiên Bộ Đường sắt Trung Quốc không đạt được mục tiêu phát hành trái phiếu.

Thực ra, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã bị thu hẹp quy mô theo một số chương trình cải cách có từ trước.

Hàng trăm trường học và bệnh viên trước đây thuộc quyền kiểm soát của bộ này đã được chuyển giao cho các chính quyền địa phương. Hai tập đoàn xây dựng công nghiệp nặng niêm yết lớn nhất thế giới là China Railway và China Railway Construction từng thuộc về Bộ Đường sắt đã được chuyển giao cho Ủy ban Giám sát tài sản quốc gia. Hai nhà sản xuất toa tàu lớn nhất Trung Quốc là CSR và China CNR giờ cũng đã không thuộc về Bộ Đường sắt nước này.