Truyền hình trả tiền Việt Nam vẫn tồn tại bốn bài toán lớn
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã tăng từ 18.3 triệu năm 2023 lên 21 triệu thuê bao năm 2024…
Tại hội thảo giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết trong năm qua, lĩnh vực truyền hình trả tiền Việt Nam có sự phát triển khởi sắc.
Điển hình là số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tăng trưởng mạnh mẽ, năm ngoái là 18,3 triệu, năm nay đạt 21 triệu, tăng 14%. Chỉ số thuê bao truyền hình OTT năm ngoái là 5,6 triệu, năm nay đạt 7,4 triệu, tăng trên 30%.
Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, trước đây doanh thu OTT chưa ra tiền, nhưng năm nay đã bắt đầu tăng, đạt gần 1.700 tỷ, tăng khoảng 7% so với năm 2023. Điều này là nhờ sự cố gắng của tự thân doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, sự chung tay đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam vẫn còn tồn tại bốn bài toán lớn.
Thứ nhất là về giá, chủ yếu là giữa các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình kết hợp với gói internet thành gói combo với doanh nghiệp truyền hình truyền thống.
Thứ hai là bản quyền trên không gian mạng bị vi phạm nhiều. Vừa rồi, giải Ngoại hạng Anh, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử có đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp, chủ yếu là K+, FPT, VTV để thực hiện rà soát, phát hiện, ngăn chặn trang web vi phạm bản quyền về bóng đá, nhưng hình thức họ thay đổi rất nhanh.
Thứ ba là bản quyền âm nhạc dùng trong các chương trình truyền hình. Ông Do cho biết, hướng giải quyết là 2 Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), 2 Cục (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Bản quyền tác giả), các doanh nghiệp, trung tâm tác quyền, đơn vị nắm bản quyền cùng ngồi để trao đổi thẳng thắn, tranh luận với nhau.
Thứ tư, các trận đấu thể thao phát sóng, trong đó có quảng cáo cờ bạc cá độ.
Theo số liệu của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, trong năm 2023, toàn thị trường đạt tổng doanh thu 10.305 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022. Trong đó, tổng doanh thu mảng dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống đạt 8.617 tỷ đồng, tăng 3%. Doanh thu mảng dịch vụ OTT TV đạt 1.688 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước.
Năm 2023, hoạt động truyền hình trả tiền đã đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Theo dự báo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, doanh thu thị trường phát thanh truyền hình Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2023, khoảng 2,8%. Dịch vụ truyền hình OTT TV tiếp tục tăng mạnh hơn so với dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử khuyến nghị các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, nắm bắt tâm lý người dùng để giới thiệu nội dung phù hợp, quảng cáo hướng đối tượng, từ đó tăng tính hấp dẫn, doanh thu; thiết kế các gói sản phẩm phù hợp với từng đối tượng thuê bao, đặc biệt là các bạn trẻ.
Cục cũng sẽ tích cực giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các vấn đề về bảo vệ bản quyền, tính phí bản quyền, xác định chi phí hạ tầng thụ động, quản lý phát triển các nội dung giá trị gia tăng trên dịch vụ.
Báo cáo về tình hình hoạt động của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024, ông Lê Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, đến nay, Hiệp hội đã và đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ công tác với 4 nội dung chính: (1), xem xét việc tiếp phát sóng nguyên trạng các giải đấu bóng đá quốc tế trực tiếp có hình ảnh về dịch vụ đặt cược và cá độ trên các kênh truyền hình; (2) ngăn chặn vi phạm bản quyền trên không gian mạng; (3), vấn đề tính phí bản quyền âm nhạc trên các kênh truyền hình; (4), tính giá sàn truyền hình - viễn thông.